Đối đầu giữa Trung Quốc – gã nhà giàu mới nổi và Ấn Độ người anh cả truyền thống với liên kết lâu đời về nhiều mặt dường như sẽ là một cuộc đấu của sự bền bỉ và chiến lược.
Hợp tác quốc phòng là một trong những hợp tác nổi bật trong chuyến thăm chính thức lần thứ 2 của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ. Tuyên bố chung giữa Mỹ và Ấn Độ tuy không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng có nhiều điểm liên quan đến cạnh tranh Ấn – Trung, đặc biệt liên quan đến khu vực an ninh truyền thống của người Ấn xung quanh các vùng biển Ấn Độ Dương.Trong những năm gần đây, với mong muốn mở rộng hiện diện kinh tế và quân sự vượt qua vòng vây của chuỗi đảo thứ nhất, Trung Quốc đã đầu tư vào hàng loạt dự án tại Nam Á. Dưới thời của chủ tịch TQ Tập Cận Bình, các dự án này các được định hình rõ hơn trong siêu dự án một vành đai, một con đường. Bên cạnh các mục tiêu kinh tế, mục đích của Trung Quốc là mở ra một con đường thông qua Vịnh Bengal để tiếp cận Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, sự hiện diện này đã dẫn tới những phản ứng và cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ.
Đòn bao vây của Trung Quốc
Trị giá 46 tỷ USD, Dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (China Pakistan economic corridor - CPEC) là một trong những dự án lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài và là dự án tốn kém nhất của Trung Quốc từng đầu tư trong khuôn khổ của Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển.
46 tỷ tương đương khoảng 20% GDP Pakistan năm 2014, gấp ba lần vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp mà Pakistan nhận được trong 7 năm qua. Số tiền này cũng vượt xa vốn đầu tư cũng như các chi phí khác của Mỹ ở Pakistan. CPEC được hoan nghênh rộng rãi ở Pakistan như là một siêu dự án “game changer” – đóng vai trò thay đổi cục diện.
Hàng lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) |
Cốt lõi của dự án này là 2.500 đường cao tốc và đường sắt liên kết, kết nối cảng Gwadar (Pakistan) trên biển Ả Rập với thành phố Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. Là điểm mút cách eo Hormuz 400km, nơi 40% các tàu vận chuyển dầu thế giới đi ngang, Gwadar đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc trong tương lai.
Sau CPEC và Gwadar thì Đường ống dẫn dầu Iran – Pakistan - Ấn Độ (IPI), trị giá 7,5 tỷ USD, dài 2.775 km là dự án quan trọng thứ ba của Trung Quốc tại Pakistan. Đường ống dẫn từ mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới South Pars của Iran trong vùng vịnh Ba Tư sẽ đi qua Khuzdar và Baluchistan (khu vực Cảng Gwadar) Pakistan với một nhánh đi vào Multan và một đi vào Cảng Karachi, một cổng trên biển Ả Rập. Từ Multan, đường ống có thể mở rộng đến Ấn Độ (Bản đồ 3). Đường ống này có khả năng xuất đi 150 triệu mét khối tiêu chuẩn khí đốt mỗi ngày (mmscmd) cho Pakistan (60 mmscmd) và Ấn Độ (90 mmscmd).
Các dự án trên sẽ tạo ra một con đường năng lượng và giao thương xuyên suốt từ Iran tới Trung Quốc thông qua IPI và Hành lang CPEC. Con đường này không chỉ an toàn vì vận chuyển trên bộ thông qua lãnh thổ của “đối tác tốt trong mọi trường hợp” mà còn rút ngắn khoảng cách vận chuyển dầu khí từ Trung Đông sang phía Tây Trung Quốc xuống tổng cộng gần 11.500 km, chỉ còn 2.500 – 3.000 từ Gwadar (hoặc Karachi) Pakistan đến Tân Cương, Trung Quốc, thay vì đi vòng theo đường truyền thống qua Nam Á, tới biển Đông, rồi tới các tỉnh miền Đông Trung Quốc trước khi vận chuyển sang phía Tây.
Ngoài ra, Đường ống IPI còn cho phép Trung Quốc tiếp cận mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới South Pars của Iran với công suất 150 triệu mét khối tiêu chuẩn khí đốt mỗi ngày (mmscmd).
Không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế, khi nối liền Gwadar với các cảng do Trung Quốc đầu tư như Sittwe (Myanmar), Chittagong (Bangladesh) và Hambantota (Sri Lanca) còn hình thành nên một vành đai giả định, khép chặt lên toàn bộ Vịnh Bengal và tiểu lục địa Ấn Độ với tên gọi “Chuỗi ngọc trai”. Không gian bao vây chiến lược này sẽ đặt các tuyến hàng hải tại Nam Á dưới tay Trung Quốc và bao vây Ấn Độ, đồng thời ngăn cản khả năng tiếp cận của Mỹ.
Ấn Độ đáp trả
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, với các mục tiêu nêu trên, trong bối cảnh các dự án trên của Trung Quốc đều tập trung vào khu vực bất ổn Balochistan, giáp ranh biên giới Ấn Độ, thì viễn cảnh tươi sáng của các dự án này đang đặt ra một sức ép không nhỏ cho chính quyền của Tổng thống Narendra Modi, đặc biệt là trường hợp dự án Cảng Gwadar. Với vị trí địa chiến lược đặc biệt – gần eo Hormuz và dòng chảy năng lượng xấp xỉ 17 tỷ thùng dầu thô – Gwadar mang trong mình nhiệm vụ “thay đổi cuộc chơi”, biến Pakistan thành “con hổ châu Á kế tiếp”.
Để đương đầu với sức ép địa chính trị và duy trì cân bằng chiến lược tại khu vực Balochistan – Iran, Ấn Độ đang thúc đẩy gia tăng quan hệ với Iran và Afghanistan. Tại Iran, sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, vào tháng 5/2016, Ấn Độ đã đổ 500 triệu USD vào phát triển cảng Chabahar, cách Gwadar 100km về phía Tây. Theo đó, Chabahar có vị trí chiến lược tốt hơn hẳn Gwadar và cho phép tiếp cận eo Hormuz và khu vực Vịnh Pecxich thuận lợi hơn.
Vị trí địa lý của hai cảng Chabahar và Gwadar |
Không chỉ dừng ở phát triển cảng, tương tự những gì Trung Quốc làm tại Pakistan, Ấn Độ cũng đang tiến hành xây dựng một hệ thống đường ray dài 900km nối Chabahar với Zaranj (Iran) và Hajigak (Afghanistan), chạy song song với Hành lang CPEC mà Trung Quốc dự định phát triển. Vào 2009, hệ thống này đã hoàn thành 215km từ Delaram (phía tây Afghanistan) tới Zaranj tại biên giới Iran – Afghanistan.
Không chỉ giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định thông qua giao thương, giảm lệ thuộc của Afghanistan vào Pakistan – đồng minh của Trung Quốc, hệ thống đường ray này còn tạo ra một hành lang xuyên suốt nối liền Ấn Độ và các nước Nam Á với khu vực Trung Á. Dự án này là một phần của “Chính sách liên kết Trung Á”, nằm trong giấc mơ lớn của Ấn Độ về “Chủ nghĩa châu Á mới”, được Ấn Độ mô tả trong Đối thoại Ấn Độ - Trung Á tháng 6/2012.
Cuộc cạnh tranh tại Ấn Độ Dương hiện vẫn chưa cho thấy dấu hiệu của bên thắng cuộc. Đối đầu giữa Trung Quốc – gã nhà giàu mới nổi với lợi thế về nguồn vốn, nhưng lại chịu nhiều áp lực về an ninh, năng lượng, địa lý – và Ấn Độ - người anh cả truyền thống với liên kết lâu đời về nhiều mặt dường như sẽ là một cuộc đấu của sự bền bỉ và chiến lược.
Theo Robert Kaplan - chuyên gia nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ, với vị trí trải dài và tiếp giáp ba châu lục (châu Đại Dương – châu Á – châu Phi), Ấn Độ Dương nắm giữ tiềm năng tác động đến cán cân quyền lực, trật tự biển và địa chính trị tại châu Á, vịnh Ba Tư và xa hơn. Có lẽ sẽ cần thêm thời gian cho hồi kết vì mọi chuyện vẫn chỉ mới bắt đầu.
Vũ Thành Công, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, thành phố Hồ Chí Minh.