Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP. Nếu điều lo ngại đó xảy ra, Việt Nam cần hướng trọng tâm vào Hiệp định thương mại tự do với khối EU (EVFTA). Vấn đề là, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần làm gì để nắm bắt được những cơ hội do EVFTA mang lại?.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Xứng đáng thay thế

Xét trên phương diện sách lược phát triển kinh tế, hiệp định EVFTA có một vị trí rất quan trọng, nó có thể thay thế xứng đáng cho TPP. “EU là khối kinh tế mạnh nhất thế giới, với GDP vào khoảng 19.000 tỷ USD, sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu và tiếp nhận vốn đầu tư”, ông nói.

Về xuất khẩu, với dân số 510 triệu người, GDP bình quân 37.000 USD/người/năm, đây là một thị trường lớn nhất thế giới xét về sức mua và khả năng tiêu thụ. Thời gian qua, do tác động của các rào cản nên hàng Việt Nam có mặt tại EU chưa nhiều, ngay cả những sản phẩm thế mạnh là nông sản.

{keywords}
Các loại hàng hóa Việt Nam - EU có thể trao đổi qua lại

Về đầu tư, câu hỏi chính mà các DN tại EU đang đặt ra là nên bỏ tiền vào đâu? Đầu tư ở châu Âu không khả quan vì kinh tế vẫn khó khăn. Đầu tư vào Mỹ thì mắc phải rủi ro tỷ giá. Vài năm trước rộ lên phong trào đầu tư vào nhóm BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nhưng những quốc gia này hiện cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Đến nay, các nhà đầu tư EU chỉ còn trông cậy vào châu Á. Tuy nhiên, họ rất dè dặt với những quốc gia có ảnh hưởng mạnh của hồi giáo, hoặc các quốc gia bị bất ổn chính trị. Vì vậy, Việt Nam sau khi ổn định được kinh tế vĩ mô và lấy lại đà tăng trưởng là điểm đầu tư được đánh giá rất cao.

Sự chuyển hướng đầu tư cũng rất rõ rệt. Những năm trước, các doanh nghiệp EU đua nhau mở công xưởng tại Trung Quốc nay nhận thấy không còn là nơi lý tưởng do chi phí nhân công tăng cao, lực lượng lao động đã già đi và năng suất xuống thấp. Từ đó đã nảy ra phong trào China+, kiếm một nơi có thể thay thế Trung Quốc.

Việt Nam hiện có một chỗ đứng rất tốt trong những quốc gia được vốn FDI lựa chọn để thiết lập công xưởng mới và thay thế những công xưởng hiện có ở Trung Quốc.

Vì vậy, khi TPP không còn, chúng ta cần nắm bắt lấy cơ hội này để đưa đất nước vào một quỹ đạo phát triển kinh tế mới ông Nam khuyến nghị.

Nền tảng chất lượng

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì thách thức cũng rất lớn. Với EVFTA, không phải chúng ta sẽ tự do xuất khẩu vào EU. Các sản phẩm phải tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ, chất lượng,...

Với đầu tư tài chính, các nhà đầu tư EU đều chờ đợi sự ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện bị giới đầu cơ thao túng và sự giảm thiểu về những thủ tục hành chính cũng như sự mở rộng cửa cho tư nhân.

{keywords}
Chất lượng là yêu cầu cao nhất đối với các sản phẩm xuất khẩu vào EU (Ảnh DNSGCT)

Còn đầu tư thu hút vốn trực tiếp (FDI) thì nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là mới nổi, còn mang nặng tính chất bảo thủ, với mô hình tăng trưởng dựa trên gia công, sản xuất giá rẻ, chất lượng thiếu ổn định.

Vì vậy, muốn xuất khẩu sang thị trường EU, Việt Nam phải đặt nền tảng cạnh tranh dựa trên chất lượng sản phẩm. Chiến lược này phù hợp với đòi hỏi của người tiêu dùng EU và đánh bại hàng Trung Quốc, vốn mang hình ảnh kém chất lượng, thiếu vệ sinh, thiếu an toàn.

Để triển khai, phải xây dựng một chiến lược tiếp thị bài bản. Trước hết, phải nắm bắt được nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng, các đối thủ cạnh tranh, rồi định ra những mặt hàng dự tính xuất khẩu, đặc tính và sự khác biệt tích cực đối với các đối thủ cạnh tranh. Xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam và nắm bắt những kênh phân phối trên toàn lãnh thổ châu Âu.

Về đầu tư tài chính, cần hướng tới sự liên kết với những sàn chứng khoán trong vùng, tạo tối đa thuận tiện cho nhà đầu tư. Nhưng trước tiên, phải rà soát lại những thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa những phiền toái và không quên các biện pháp chống rửa tiền.

Để thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ EU, cần áp dụng mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng và phát triển bền vững. Khuyến khích các nhà đầu tư EU phát triển sản xuất và chuyển giao công nghệ, cũng như thiết lập những trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, sử dụng xuất xứ sản xuất tại Việt Nam để hưởng những quyền lợi xuất khẩu với những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư, Việt Nam cần thực hiện bằng được cơ chế thị trường với luật chơi được bảo đảm, công bằng, bình đẳng. Như vậy, cần ngăn chặn mọi tác nhân có thể tác động đến thị trường và nghiêm cấm những thỏa thuận thao túng thị trường.

Bên cạnh đó là chuyển đổi mô hình kinh tế từ gia công sang nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Cải cách hệ thống giáo dục với hướng đi thực tiễn hơn, con người sau đào tạo phải là một lao động có tay nghề, có kiến thức để phụng sự cho nền kinh tế.

Phạm Nam Kim