Trong chiến dịch tranh cử của mình, tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã nghi ngờ những liên minh và các thể chế vốn làm nền tảng cho trật tự thế giới tự do, nhưng chỉ nêu ra vài chính sách cụ thể. Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất dấy lên từ chiến thắng của ông là liệu giai đoạn toàn cầu hóa kéo dài bắt đầu từ cuối Thế chiến II về cơ bản đã qua rồi hay chưa.

Không nhất thiết như vậy. Dù các hiệp định thương mại như TPP và TTIP có thất bại và toàn cầu hóa về mặt kinh tế chậm lại đi chăng nữa thì công nghệ cũng đang thúc đẩy toàn cầu hóa về mặt sinh thái, chính trị, và xã hội dưới hình thức biến đổi khí hậu, khủng bố xuyên quốc gia, và di cư – bất kể ông Trump có thích điều đó hay không. Trật tự thế giới không chỉ có kinh tế, và Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của nó.

Người Mỹ thường dao động giữa tư tưởng chiến thắng và suy thoái. Sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, họ tin mình đang suy thoái. Trong những năm 1980, họ nghĩ người Nhật Bản đang vượt trội. Sau cuộc Đại suy thoái năm 2008, nhiều người Mỹ đã lầm tưởng Trung Quốc đã trở nên quyền lực hơn so với Hoa Kỳ.

{keywords}
Ảnh:Reuters

Nước Mỹ đang không suy thoái. Nhờ người nhập cư, Mỹ là nước phát triển lớn duy nhất không phải chịu sự suy giảm dân số đến giữa thế kỷ này; sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Mỹ đang giảm chứ không tăng; Mỹ đi đầu trong các ngành công nghệ lớn (sinh học, nano, thông tin) sẽ định hình thế kỷ này; và các trường đại học của Mỹ thống trị các bảng xếp hạng giáo dục thế giới.

Nhiều vấn đề quan trọng sẽ vây quanh nghị trình chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ, nhưng một vài vấn đề chủ chốt rất có thể sẽ chiếm ưu thế – cụ thể là quan hệ siêu cường với Trung Quốc và Nga và bất ổn ở Trung Đông. Một quân đội mạnh vẫn là cần thiết nhưng không đủ để giải quyết cả ba vấn đề. Duy trì sự cân bằng quân sự ở châu Âu và Đông Nam Á là một nguồn ảnh hưởng quan trọng của Mỹ, nhưng ông Trump đã đúng khi cho rằng việc cố kiểm soát nền chính trị nội bộ của các nhóm người dân tộc chủ nghĩa ở Trung Đông là một công thức dẫn đến thất bại.

Trung Đông đang trải qua một loạt các cuộc cách mạng phức tạp bắt nguồn từ những đường biên giới nhân tạo hậu thuộc địa; xung đột giáo phái tôn giáo, và sự hiện đại hóa trì trệ được mô tả trong Báo cáo Phát triển Con người Ả Rập của Liên Hợp Quốc. Sự hỗn loạn kéo theo đó có thể kéo dài hàng thập niên, và nó sẽ tiếp tục dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố thánh chiến cực đoan. Châu Âu vẫn bất ổn trong 25 sau Cách mạng Pháp, và sự can thiệp quân sự của các cường quốc bên ngoài chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông giảm xuống, Mỹ cũng không thể quay lưng với khu vực này do các lợi ích ở Israel, hay việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, và các quyền con người, bên cạnh nhiều vấn đề khác. Cuộc nội chiến ở Syria không chỉ là một thảm họa nhân đạo, mà còn làm mất ổn định khu vực và châu Âu. Mỹ không thể làm ngơ những sự kiện như vậy, nhưng chính sách của nó phải là chính sách ngăn chặn, ảnh hưởng đến kết cục bằng cách thúc đẩy và củng cố các đồng minh của mình, thay vì cố gắng khẳng định quyền kiểm soát quân sự trực tiếp, vốn vừa tốn kém và phản tác dụng.

Ngược lại, sự cân bằng quyền lực khu vực ở châu Á khiến Mỹ được chào đón ở đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại ở Ấn Độ, Nhật Bản, và các nước khác. Việc quản lý sự trỗi dậy trên toàn cầu của Trung Quốc là một trong những thách thức chính sách đối ngoại lớn của thế kỷ này, và chiến lược “nước đôi” do lưỡng đảng ủng hộ “vừa hội nhập, vừa đảm bảo an ninh” của Mỹ – trong đó Mỹ mời Trung Quốc tham gia trật tự thế giới tự do, trong khi tái khẳng định hiệp ước an ninh của Mỹ với Nhật Bản – sẽ tiếp tục là cách tiếp cận đúng đắn.

Với một nước Đức đang lên làm dấy lên những lo ngại giúp dẫn đến thảm họa năm 1914, Trung Quốc sẽ không vượt qua Mỹ về sức mạnh tổng thể. Thậm chí nền kinh tế Trung Quốc có vượt qua nền kinh tế Mỹ về tổng quy mô vào năm 2030 hay 2040 đi chăng nữa thì thu nhập bình quân đầu người của nó (một thước đo tốt hơn cho sự vận hành của một nền kinh tế) vẫn sẽ tụt hậu. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ không ngang bằng “quyền lực cứng” về quân sự hay “quyền lực mềm” về sự thu hút với Mỹ. Như Lý Quang Diệu từng nói, chừng nào Mỹ còn mở cửa và thu hút nhân tài trên thế giới, thì Trung Quốc còn “cạnh tranh sát sao,” nhưng sẽ không thay thế được Mỹ.

Vì những lý do đó, Mỹ không cần một chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc. Quốc gia duy nhất có thể kiềm chế Trung Quốc là Trung Quốc. Mỹ cần khởi động các sáng kiến kinh tế ở Đông Nam Á, tái khẳng định liên minh của nó với Nhật Bản và Hàn Quốc, và tiếp tục cải thiện quan hệ với Ấn Độ.

Cuối cùng, còn có Nga, một đất nước đang phải đương đầu với sự lạnh nhạt từ Mỹ và châu Âu, nhưng họ lại có tiềm lực quân sự rất mạnh. Nước Nga, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ các tài nguyên năng lượng của mình, là một “nền kinh tế đơn canh” với các thể chế suy đồi và những vấn đề về nhân khẩu học và y tế.

Trump cũng đúng về việc không nên cô lập hoàn toàn một đất nước mà Mỹ có những lợi ích chồng chéo về an ninh hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, Bắc cực, và các vấn đề khu vực như Iran và Afghanistan. Các biện pháp trừng phạt về tài chính và năng lượng là cần thiết để răn đe; nhưng Mỹ cũng có những lợi ích đích thực được thúc đẩy tốt nhất bằng cách thỏa thuận với Nga. Sẽ không ai được hưởng lợi từ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Mỹ đang không suy thoái. Nhiệm vụ chính sách đối ngoại trước mắt của Trump là điều chỉnh luận điệu của mình và trấn an các đồng minh và những nước khác về vai trò tiếp tục của Mỹ trong trật tự thế giới tự do.

Joseph S. Nye

Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn Is the American Century Over?

Chuyên mục hợp tác với Chuyên trang Nghiên cứu quốc tế (nghiencuuquocte.net)

Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.