Tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân

Nằm tại vị trí cực Bắc của tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) có giá trị đa dạng sinh học rất cao, có nhiều loài động vật, thực vật và thảo dược quý hiếm. Quản lý hệ sinh thái rừng đa dạng phong phú, bảo tồn nguyên vẹn sự đa dạng của hệ động thực vật là nhiệm vụ hàng đầu của Vườn.

Bên cạnh đó, Vườn còn đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp các xã vùng đệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đồng thời bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa lồng ghép vào chương trình du lịch sinh thái góp phần phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội tại địa phương.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích gần 26.000 ha hiện đã được Ban quản lý Vườn giao khoán cho 11 cộng đồng (hơn 20.000 ha) thuộc các xã vùng đệm của Vườn với 694 hộ tham gia bảo vệ rừng; cùng với 5 đơn vị lực lượng vũ trang và 1 phần diện tích Ban quản lý Vườn tự bố trí lực lượng quản lý bảo vệ. Trong đó, 6 cộng đồng thuộc xã Bù Gia Mập, 3 thuộc xã Đắk Ơ và 2 cộng đồng thuộc xã Quảng Trực của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Trên địa bàn xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng chủ yếu là người dân tộc thiểu số S’tiêng, M’nông. Trước đây, các dân tộc này sống chủ yếu ven những cánh rừng nguyên sinh, cuộc sống dựa vào hoạt động săn bắt, hái lượm và làm nương rẫy. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều hộ chuyển sang nhận khoán bảo vệ rừng, gia tăng thu nhập cho gia đình.

Ảnh màn hình 2024 09 26 lúc 19.48.42.png
Đồng bào dân tộc ở Bình Phước tăng thu nhập nhờ nhận khoán bảo vệ rừng

Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nguồn thu từ nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài việc khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, địa phương luôn tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại đến rừng, nhất là trong mùa nắng nóng có nguy cơ cháy rất cao.

Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã nhận thức việc cần thiết bảo vệ rừng và có nguồn thu nhập thêm. Thời gian tuần tra bảo vệ rừng, họ chia nhau theo lượt đi. Mỗi lần đi tính theo công, mỗi công 200.000 đồng/ngày. Tổ nhận khoán bảo vệ rừng đều luân phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ rừng; người đi nhiều thì tiền được trả nhiều. 

Mỗi cộng đồng sẽ thành lập các chốt trong rừng để cùng với lực lượng kiểm lâm đi tuần tra. Các cộng đồng sẽ phân chia thành các tổ, mỗi tổ 5-6 người. Một đợt đi tuần tra rừng khoảng 15-20 người cùng với phối hợp kiểm lâm viên. Cộng đồng hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi trực ăn ở tại chỗ tại các chốt. Các chốt cộng đồng cách trạm kiểm lâm khoảng 500m - 1km để thuận tiện liên lạc với nhau.

Theo đánh giá của Ban quản lý Vườn, thời gian qua hiệu quả cộng đồng nhận khoán đã hỗ trợ tốt cho bảo vệ rừng cũng như phòng chống cháy rừng. Hiện lực lượng kiểm lâm Vườn rất mỏng so với diện tích gần 26.000 ha rừng. 

Góp phần làm thay đổi nhận thức, tăng cường trách nhiệm 

Tương tự, tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), khoán bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng và Ban quản lý rừng đặc dụng Vườn quốc gia Cát Tiên theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững có tổng có 8 cộng đồng với 128 hộ nhận khoán với diện tích nhận khoán hơn 3.700 ha, số tiền nhận khoán là hơn 5 tỷ đồng.

Việc khoán bảo vệ rừng đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời phát huy được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Bên cạnh đó, khoán bảo vệ rừng tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Thực hiện chủ trương giao khoán quản lý, bảo vệ rừng bước đầu xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, góp phần quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng.

Từ đó, tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân ngày càng được nâng cao; tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân vùng rừng với chủ rừng và chính quyền địa phương, mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa bên nhận khoán bảo vệ rừng và chủ rừng ngày tốt hơn.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, quản lý và phát triển bền vững kinh tế sinh thái rừng không chỉ bao gồm bền vững về sinh thái rừng và bền vững về phát triển kinh tế lâm nghiệp mà còn bao gồm bền vững về đời sống.