Khó khăn phải lo cuộc sống trước mắt 

Bạn đọc Minh Hạnh chia sẻ, ai cũng mong muốn có lương hưu khi về già, thế nhưng hiện nay rất khó để người lao động giản đơn tại các khu công nghiệp duy trì đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu.

Khi bước vào tuổi 35-40 “mắt mờ, chân chậm” người lao động rất lo doanh nghiệp sa thải. Khi mất việc, không tìm được việc làm mới để tiếp tục đóng BHXH, người lao động sẽ nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần.

“Khi không có việc làm thì kể cả thời gian đóng BHXH trên 10 năm người lao động vẫn rút một lần để đảm bảo lo toan cho cuộc sống trước mắt”, bạn đọc Minh Hạnh nêu thực tế.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Hoài Anh chia sẻ, rút BHXH một cục thì về già nếu không có tích cóp sẽ rất vất vả, điều này ai cũng biết. Thế nhưng khi mất việc, không có việc làm mới, người lao động phải lo cơm áo gạo tiền vì "cha mẹ già, con trẻ" nên đành phải tính đến lợi ích trước mắt.

“Hãy thử đặt tình huống đi làm lương tháng được 5-6 triệu, tiền ăn, tiền học cho con… bao thứ phải chi tiêu. Chẳng may mất việc không biết bấu víu vào đâu thì phải rút BHXH một lần. Quản lý nhà nước hãy đặt vào vị trí người lao động khó khăn để xây dựng chính sách cho phù hợp. Ai cũng muốn về già có lương hưu, nhưng khi trẻ khốn khó thì biết kêu ai”, bạn đọc Nguyễn Hoài Anh băn khoăn.

Người lao động rút BHXH một lần tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng.

Bạn đọc Bình Minh đặt vấn đề, mọi người chỉ nói đến khía cạnh thiệt thòi khi rút BHXH một lần mà sao không phân tích với mức lương hưu hiện nay rất nhiều người lao động (không nằm trong hệ thống cán bộ nhân viên hành chính, cơ quan nhà nước) không đảm bảo mức sống tối thiểu. Thực tế này khiến người lao động kể cả không gặp khó khăn vẫn chọn phương án rút BHXH một lần để có vốn làm ăn, đem lại lợi ích thiết thực hơn thay vì tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Nên giảm cả tuổi hưu?

Bạn đọc Trần Đức Thịnh bày tỏ quan điểm, chính sách BHXH ngoài giảm thời gian đóng thì cũng nên giảm cả tuổi nghỉ hưu, có như vậy mới khuyến khích và ngăn chặn được tình trạng rút BHXH một lần.

Hiện nay tuổi nghỉ hưu hướng tới 62 đối với nam và 60 đối với nữ, trong khi tuổi thọ trung bình ở nước ta chỉ 73 tuổi. Như vậy, người nhận lương hưu được hưởng trung bình là 10 năm so với số tiền đã đóng thì không hưởng lợi được bao nhiêu. Do vậy không ít người chọn rút "một cục" đầu tư sang lĩnh vực khác sẽ thiết thực hơn.

Bạn đọc Nguyễn Huyền cho biết, rút ngắn thời gian đóng BHXH thì cũng nên giảm tuổi nghỉ hưu. Thực tế với lao động trí thức thì có thể kéo dài tuổi lao động, còn với lao động đơn giản, lao động chân tay nặng nhọc thì nên giảm tuổi hưu nữ 50, nam 55.

“Hiện nay nhiều lao động, 35 tuổi với nữ, 40 tuổi với nam đã bị sa thải rồi. Vậy khi khó khăn nhiều người không thể chờ thêm 20 -25 năm tới để hưởng lương hưu”, bạn đọc Nguyễn Huyền bày tỏ.

Theo bạn đọc Đức Nguyên, người lao động nặng nhọc tuổi thọ 65 là rất khó, hoặc nếu sống ở tuổi đó bệnh tật đầy người, trong khi với mức lương hưu thấp thì không đủ tiền khám bệnh, mua thuốc trang trải cuộc sống. Vì vậy, thay vì duy trì đóng BHXH để hưởng lương hưu thì nhiều người lựa chọn rút một lần để định hướng thay đổi có cuộc sống tốt hơn.

Bạn đọc Kiệt Dương Tuấn cho rằng, nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm mà không giảm tuổi nghỉ hưu thì tình trạng rút BHXH một lần còn nhiều hơn nữa. Khi đó tỉ lệ người lao động đang đóng 10 tới 14 năm sẽ chọn rút một lần và đóng lại từ đầu do tuổi nghỉ hưu quá cao, thời gian chờ hưởng rất dài. 

Đảm bảo việc làm cho người lao động để hạn chế rút BHXH một lần

Theo chuyên gia lao động Phạm Minh Huân, về mặt chính sách, để hạn chế người rút BHXH một lần cần phải hướng tới việc khuyến khích tạo điều kiện cho người lao động khi không làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để về già được hưởng lương hưu.

Đồng thời phải tạo điều kiện cho người lao động mất việc được nhận mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn để có điều kiện tìm việc làm mới, duy trì đóng BHXH cho đến tuổi nghỉ hưu.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt, Luật BHXH cần phải sửa đổi theo hướng tạo sự hấp dẫn, linh hoạt cho người tham gia BHXH, tăng cường lợi ích của người lao động tham gia BHXH lâu dài.

Theo đó, ngoài tạo việc làm ổn định, đảm bảo mức lương đủ sống và có phần tích lũy để phòng khi rủi ro thì chế độ hưu trí cần điều chỉnh linh hoạt theo hướng người hưởng lương thấp có tỷ lệ điều chỉnh cao hơn với người hưởng lương cao để mức lương phải đảm bảo cuộc sống khi về già.