Báo cáo của Chính phủ cho thấy vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 7,6%. Điều này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi tăng trưởng của nước ta.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, xuất khẩu cũng đã phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (14,7%). Nền kinh tế xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,5 tỷ USD).

Tình hình đăng ký kinh doanh cũng rất tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 lần đầu tiên vượt mốc 15 nghìn doanh nghiệp; doanh nghiệp tái gia nhập thị trường đạt hơn 7 nghìn doanh nghiệp; doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, nước ta có hơn 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay.

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang thể hiện niềm tin vào tương lai kinh tế Việt Nam

Vừa tham dự lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giải pháp phân phối điện hiện đại tại Việt Nam của Tập đoàn ABB, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber đã dành những đánh giá rất cao cho công tác phục hồi sau đại dịch của Việt Nam.

Đại sứ Thụy Sỹ bày tỏ ấn tượng với thành tích của Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua thực sự ấn tượng, đặc biệt là khả năng phục hồi sau đại dịch. Tính đến cuối năm 2021, đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Sỹ vào Việt Nam đạt 1.8 tỷ, đưa Thụy Sỹ trở thành một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn hơn tại nước này.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber cho biết: Hơn 100 công ty Thụy Sỹ đang hoạt động tại đây và đã tạo ra hơn 20.000 việc làm trong các lĩnh vực khác nhau, tất nhiên, kỹ thuật, tự động hóa và công nghệ như trường hợp của ABB, nhưng cũng có dược phẩm, quy trình thực phẩm, CNTT, hậu cần.

Với tổng diện tích lên đến 15.700m2, trung tâm sản xuất giải pháp phân phối điện mới của ABB sẽ thay thế cho nhà máy hiện tại đã có tuổi đời 10 năm và được cải thiện đáng kể các tiêu chí về môi trường.

Ông  Matteo Caiti, Giám đốc Ban Giải pháp Phân phối Điện của ABB tại Châu Á, cho biết  “Trung tâm sản xuất công nghệ cao & bền vững mới được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đồng thời giúp ABB có thể gặt hái thêm nhiều thành công hơn tại khu vực. Trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, trung tâm sản xuất mới sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm sáng mới về năng lượng bền vững tại khu vực”.

Đây là các dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh.

Điều đó cho thấy nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực hơn sau đại dịch. Các nhà đầu tư vẫn đang yên tâm và thể hiện niềm tin vào việc làm ăn ở Việt Nam.

H.Duy

Đơn hàng làm không kịp: Mở xưởng lắp dây chuyền mới, hối hả tuyển nhân côngĐơn đặt hàng xuất khẩu tăng, siêu thị nhộn nhịp cho thấy bức tranh kinh tế phục hồi rõ nét. Vấn đề các doanh nghiệp đang phải đối mặt là chi phí nhiên liệu, nguyên liệu tăng quá cao.