1. Dòng sông nào gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng?

  • Sông Đáy
  • Sông Mã
  • Sông Hát
  • Sông Thu Bồn
Chính xác

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra ở cuối giai đoạn Bắc thuộc lần 1 (năm 40 – 43). Bất bình trước chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc, Trưng Trắc cùng chồng là Thi Sách và em gái Trưng Nhị nổi dậy, tập hợp nghĩa binh, hoạt động ở huyện Mê Linh, sau đó tổ chức những trận đánh lớn ra toàn bộ địa bàn phía Bắc.

Tháng 3/40, hai bà lập hội thề tại sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), thề đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại tự chủ cho dân tộc và trả thù cho chồng bị Thái thú Tô Định sát hại.

Tương truyền, bà Trưng Trắc đã đọc một bài thơ trước khi xuất quân:

“Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

2. Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ của chính quyền phong kiến phương Bắc nào?

  • Nhà Tần
  • Nhà Đông Hán
  • Nhà Đường
  • Nhà Tống
Chính xác

Hai Bà Trưng khởi nghĩa nhằm chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán. Trước sức mạnh của nghĩa quân, quan lại phương Bắc hoảng sợ, bỏ chạy về nước. Thái thú Tô Định phải bỏ ấn tín, cắt tóc, cạo râu, trốn về Nam Hải. Chỉ trong thời gian ngắn, ngọn cờ của hai bà đã tập hợp được nhân dân hơn 65 địa phương, khôi phục nền độc lập đã mất gần 200 năm.

Trưng Trắc được suy tôn làm vua, gọi là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Nói về sự kiện này, nhà sử học Lê Văn Hưu viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là phận nữ nhi, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy đất Việt ta đủ dựng nghiệp bá vương”.

3. Sau khi phương Bắc mang quân đàn áp, Hai Bà Trưng tự sát ở đâu?

  • Sông Gâm
  • Sông Thái Bình
  • Sông Nho Quế
  • Sông Hát
Chính xác

Được tin báo về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán lập tức cử binh mã dưới quyền chỉ huy của Mã Viện sang tái chiếm nước ta. Trưng Vương khi đó bố trí lực lượng chặn đánh từ sớm, nhưng phải lui binh về thành Mê Linh do thế giặc mạnh. Quân của Mã Viện tiếp tục chiếm kinh đô, dồn ép Hai Bà Trưng về thành Cự Triền. Tại đây, quân đội của hai bà đã cầm cự với giặc hàng năm trời, gây cho chúng nhiều thương vong.

Thành Cự Triền bị hạ, Trưng Vương lui về Cấm Khê, lấy sông Đáy làm hào ngoài, núi Ba Vì làm chỗ dựa, chờ cơ hội phản công. Tuy nhiên, giữa năm 43, căn cứ Cấm Khê vỡ, nghĩa quân dần tan rã. Theo một số truyền thuyết, Hai Bà Trưng đã tự sát ở sông Hát (tức đoạn sông Đáy qua xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) để bảo toàn khí tiết, quyết không để rơi vào tay giặc. Như vậy, sông Hát được xem là khởi đầu và cũng là nơi kết thúc của khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

4. Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức vào dịp nào hàng năm?

  • Tháng Chạp
  • Tháng Giêng
  • Tháng Hai
  • Tháng Ba
Chính xác

Khai hội Đền Hai Bà Trưng diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến mùng 10, cùng khởi điểm hai bà tế cờ khởi nghĩa. Lễ hội tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, thu hút hàng vạn người tới tham dự mỗi năm. Hoạt động chính của lễ hội gồm rước kiệu và tế lễ theo nghi thức truyền thống.

5. Cuộc khởi nghĩa nào diễn ra sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng?

  • Khởi nghĩa Lý Bí
  • Khởi nghĩa Mai Thúc Loan
  • Khởi nghĩa Bà Triệu
  • Khởi nghĩa Phùng Hưng
Chính xác

Bà Triệu (226 – 248) tên đầy đủ là Triệu Thị Trinh, em ruột của Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực ở quận Cửu Chân. Năm 19 tuổi, bà cùng anh tập hợp nghĩa sĩ lên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ phất cờ khởi nghĩa. Nhân dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân cũng nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, đánh thắng quân Ngô nhiều trận. Vua Đông Ngô lo sợ, phải đưa đại quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Bà Triệu sau đó hy sinh trên núi Tùng (Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa).