“Cưới em bằng bạc con cò/Đâu phải hẹn hò nói chuyện đẩy đưa”, câu ca xưa ám chỉ đồng bạc Mexicana của Cộng hòa Mexico. Sở dĩ nói bạc con cò vì mặt đồng xu có hình dạng giống con cò, đây là một loại tiền xu nước ngoài lưu hành ở Việt Nam thế XIX (từ khoảng năm 1862). Thời điểm này, người Việt dùng các loại tiền ngoại thương cho đến khi tiền Đông Dương được phát hành, lưu thông năm 1885. 

Câu chuyện trên được anh Huỳnh Minh Hiệp, một người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc), và cũng là nhà sưu tập cổ vật tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), chia sẻ. Bộ sưu tập tiền xu của anh có khoảng 5.000 đồng xu, trải dài qua nhiều thế kỷ, đi cùng các triều đại phong kiến khác nhau.

Một số đồng xu trong bộ sưu tập. (Ảnh: Trần Chung)
Đồng xu dưới thời Bảo Đại. (Ảnh: Trần Chung)

Đồng xu đầu tiên trong bộ sưu tập có tên “Thái Bình hưng bảo” (từ năm 970-980), được đúc thời Đinh Tiên Hoàng, đây là Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta. Đồng tiền cổ xuất hiện sau khi vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Trước đó, khi đồng tiền ra đời, người dân sử dụng đồng xu “ngũ thù” của Trung Quốc, đơn vị tính là 5 thù.  

Đồng xu cuối cùng của Nhà nước phong kiến là đồng “Bảo Đại thông bảo” của Vương triều Bảo Đại (1925-1945), vị vua phong kiến cuối cùng. Theo anh Hiệp, bộ sưu tập tiền xu của anh có đủ các thời Đinh - Lý - Trần - Lê,... từ thế kỷ X tới thế kỷ XX, trải dài khoảng 1.000 năm.

Ngoài ra, bộ sưu tập còn có những khối tiền thời vua Minh Mạng (từ năm 1820-1841) do giới nhà giàu xưa giữ lại, được xâu bằng chỉ bố, chôn dưới đất; đồng xu thời Lê bị hóa thạch; thỏi bạc thời vua Gia Long... Trên mỗi đồng có niên hiệu xác định niên đại, giai đoạn sử dụng trong lưu thông tiền tệ.

Khối tiền xu cổ. (Ảnh: Trần Chung)
Các khối tiền xu hóa thạch trong bộ sưu tập. (Ảnh: Trần Chung)

Rất đặc biệt, có đồng xu anh Hiệp đã phải tìm kiếm trong suốt 30 năm, đó là đồng của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ I - thế kỷ VII). Cư dân quốc gia này từng sinh sống, phân bổ ở một số vùng đất của Nam bộ như Hà Tiên (Kiên Giang), An Giang... Vương quốc Phù Nam gần như bị xóa sổ sau một trận đại hồng thủy. 

“Do bị xóa sổ nên những đồng xu còn lại từ thời điểm đó gần như biến mất hoàn toàn. Cách đây 6 tháng, tôi về Bạc Liêu thăm một người bạn thì vô tình biết họ có sở hữu đồng tiền. Tôi may mắn được tặng làm kỷ niệm và giờ đi đâu cũng mang đồng tiền xu này theo bên mình”, anh Hiệp nói.

Anh Hiệp cầm trên tay đồng tiền xu của Vương quốc Phù Nam. (Ảnh: Trần Chung)

Quá trình sưu tập nhiều đồng tiền xu khác cũng không dễ dàng. Ngoài đồng Vương quốc Phù Nam nói trên, khối tiền cổ hóa thạch của triều vua Minh Mạng được anh thuyết phục mua lại từ một người dân ở quận Phú Nhuận hơn 20 năm trước. Giá mua nhượng lại từ năm 2000 đã khoảng mười mấy triệu đồng. Để sở hữu được khối tiền xu, anh Hiệp phải hạn chế ăn trong 2 tháng mới đủ tiền. 

Theo anh Hiệp, hiện, 5.000 đồng xu trong bộ sưu tập còn thiếu đồng tiền thời Hồ của triều đại Hồ Quý Ly (năm 1400). Đây cũng là giai đoạn có phát hành cả tiền giấy với các hình vẽ khác nhau, tương đương giá trị tiền tệ khác nhau, rất ít người được nhìn thấy các tờ tiền này.