Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực.

Phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động

Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, sau 20 năm kinh tế hợp tác (KTHT), HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (PNN) phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.

Thông qua việc triển khai Nghị quyết đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân đối với phát triển KTTT, HTX lĩnh vực PNN; Liên minh HTX Việt Nam củng cố tổ chức bộ máy, thống nhất và liên kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ theo Điều lệ, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX.

Các loại hình HTX lĩnh vực PNN có nhiều bước tiến nổi bật, trong đó lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX quy mô vừa và lớn, tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch Covid-19, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

381518656 642880364704629 8773382137472368373 n.jpg
Ảnh minh hoạ

Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX, 16 Liên hiệp HTX, 44.226 THT, thu hút gần 3 triệu thành viên, vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt 55% - 80% và có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động với HTX nông nghiệp.

Các HTX đã từng bước nâng cao chất lượng thành viên, thu hút số lượng lớn các hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên HTX. Đến nay, có trên 80% thành viên thực hiện góp vốn vào HTX; vốn chủ sở hữu chiếm 72% tổng nguồn vốn của HTX. Có 91% HTX, liên hiệp HTX huy động vốn từ thành viên, HTX thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Hiện doanh thu của các HTX ước đạt 74.669 tỷ đồng (tăng 16.173 tỷ đồng so với năm 2013), bình quân doanh thu đạt 8 tỷ đồng/HTX, tỷ lệ doanh thu cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên chiếm trên 80%; lãi bình quân của một HTX tăng 61,7% so với năm 2013. Giai đoạn 2013-2021 tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của một lao động đạt 6,41%; cung ứng dịch vụ cho thành viên với chi phí đầu vào giảm khoảng 20%-25%, giá bán sản phẩm tăng từ 10%-15%.

Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Có thể thấy, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn rất lớn, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. Đội ngũ lao động đông đảo, có kinh nghiệm, cùng với hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, đặc biệt là ở khu vực nông thôn sẽ là nền tảng thúc đẩy áp dụng công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại. Chúng ta có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 FTA đã được ký kết và đàm phán. Đồng thời, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Lê Na