Đề án đạt được một số kết quả nhất định

Báo cáo tổng kết cho hay, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh so với thời gian đầu phê duyệt Đề án ngày càng tăng lên từ 2.220 người tăng lên 12.170 người.

Cụ thể từng nghề như sau: Nghề dệt thổ cẩm từ 312 người tăng lên 1.046 người; Nghề đan lát từ 570 người tăng lên 1.747 người; Nghề Rèn từ 116 người tăng lên 408 người; Nghề làm rượu cần từ 984 người tăng 8.464 người; Nghề chế tác nỏ từ 53 người tăng 266 người; Nghề chế tác nhạc cụ âm nhạc từ 124 người tăng lên 164 người; Nghề tạc tượng từ 39 người tăng lên 44 người; Nghề đẽo thuyền độc mộc từ 19 người tăng lên 29 người.

{keywords}
Người Bana ở Kontum

Việc triển khai thực hiện Đề án đã tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS tại chỗ, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, người có uy tín nâng cao nhận thức, hiểu về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoa, những sản phẩm truyền thống độc đáo; tham gia truyền nghề, học nghề để lưu giữ nghề nghiệp và phát huy giá trị văn hóa của các nghề truyền thống đang dần bị mai một... Thường xuyên phối hợp cùng với các tổ chức chính trị tại địa phương tham gia tổ chức quảng bá sản phẩm của dân tộc mình tại một số tỉnh và tại địa phương.

Vẫn còn một số hạn chế khi triển khai

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án vẫn còn những hạn chế: Công tác tuyên truyền bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đã được thực hiện nhưng chưa được thường xuyên; sự thay đổi của xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của kinh tế thị trường, du nhập của văn hóa ngoại lai... đã ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và các nghề truyền thống của dân tộc mình. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ theo Đề án.

Giá thành của các sản phẩm truyền thống so với giá thành trên thị trường rất cao nên khó khăn trong việc tiêu thụ. Việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống hiện nay còn rất khó khăn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của địa phương vào các dịp lễ, tết. Số lượng các quầy hàng giới thiệu sản phẩm mua bán ký gửi các sản phẩm nghề truyền thống còn hạn chế.

Việc lồng ghép dạy nghề truyền thống theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát) chưa triển khai được theo yêu cầu của Đề án mà chủ yếu tập trung đào tạo vào các ngành nghề khác. Việc triển khai đào tạo  tập trung còn khó khăn do chưa có giáo trình đào tạo, nhu cầu học nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, số lượng đăng ký ít nên rất khó để mở lớp

Nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng và phát triển nghề truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu nguyên, vật liệu để bảo tồn nghề truyền thống không có nguồn để khai thác. Việc đầu tư cho công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống còn hạn chế, thực hiện chưa thường xuyên, liên tục; việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Những giải pháp khắc phục 

Để công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có những giải pháp như sau:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền , địa phương trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác phối hợp; đổi mới nhận thức về phát triển nghề truyền thống của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, khuyến công.…với mục đích cuối cùng tìm được nguồn đầu ra lâu dài và ổn định cho các sản phẩm.  Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của đơn vị; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các DTTS tại chỗ.

Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố lựa chọn các địa bàn, cộng đồng dân cư cụ thể, có khả năng phát triển được các nghề truyền thống có thế mạnh để tiếp tục triển khai công tác phát triển nghề tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. .Nhân rộng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có gắn với công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, rượu cần…) với các điểm trưng bày, bán sản phẩm hiện có. Mở rộng các điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, ký gửi các sản phẩm nghề truyền thộng trên địa bàn các huyện, thành phố với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu mở lớp truyền dạy, phát triển nguồn nguyên liệu… đến bao tiêu sản phẩm. Tạo điều kiện để người dân tham gia Đề án có được nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Tiếp tục mở các lớp dạy nghề truyền thống bằng hình thức dạy nghề cộng đồng, (Tổ chức tại thôn, làng, nghệ nhân truyền nghề là người DTTS tại chỗ) để tuyền dạy cho lớp trẻ, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong thanh thiếu niên tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số để học hỏi, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống ở cơ sở như: Thi dệt thổ cẩm; Thi chế tác nhạc cụ dân tộc; Thi ẩm thực dân tộc… gắn với sự kiện lịch sử của tỉnh và các huyện, thành phố.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển phải gắn với công tác tuyên truyền, vận động, khen thưởng và khuyến khích lao động.

Ngân Phương
Ảnh: Đắc Vịnh