Những năm qua, Lai Châu đã đẩy mạnh đầu tư, khai thác lợi thế không gian văn hóa đa sắc màu của các dân tộc anh em cùng cảnh quan, môi trường, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực… để phát triển du lịch cộng đồng.

Hướng đi này vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương vừa góp phần bảo tồn, tái tạo và phát triển tài nguyên thiên nhiên cũng như góp phần duy trì, quảng bá được bản sắc văn hoá của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây.

Nắm bắt xu hướng hiện nay của du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về các vùng tự nhiên để được trải nghiệm cảm giác 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” văn hóa bản địa, Lai Châu đã tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng.

Mỗi điểm đều mang sắc thái và đặc trưng riêng và thu hút đông đảo du khách tìm đến như bản Văn hóa, Du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Nà Khương; bản Hon (huyện Tam Đường); San Thàng 1 (xã San Thàng); bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng trên địa bàn Tp Lai Châu)….

Tính đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có 16 điểm du lịch cộng đồng với rất nhiều hộ kinh doanh dịch vụ homestay đáp ứng nhu cầu của khách.

Nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách được hình thành, nhiều đội văn nghệ phục vụ khách được thành lập, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như HTX Nà Cang làm bánh của dân tộc Giáy - San Thàng; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự ở bản Hon; nghề rèn của dân tộc Mông ở Sin Suối Hồ, tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Sìn Hồ.

Nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, Sì Thâu Chải thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, lâu nay nổi tiếng là một trong những địa điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Bản Sì Thâu Chải hiện có hơn 60 hộ dân với 300 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thời gian qua, người dao ở Sì Thâu Chải đã thành thạo làm du lịch một cách bài bản. Từ khâu sửa sang hạ tầng, tiếp khách, nấu ăn, tổ chức các hoạt động tham quan, văn nghệ, trải nghiệm...Vượt qua những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu, đồng bào đã dần quen với việc đón tiếp hàng trăm khách du lịch đến thăm vào những đợt có sự kiện lớn như giải dù lượn đường trường mở rộng. 

Từ những thành tựu đã đạt được, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030".

Theo đề án, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.