PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), xung quanh câu chuyện giá vé máy bay dịp lễ, Tết tăng chóng mặt.
Việc tăng giá này tác động thế nào đến ngành du lịch và nền kinh tế?
Du khách mất niềm tin
- Các hãng hàng không vừa mở đợt bán vé Tết trong đó nhiều chặng tới các thành phố du lịch đều ở mức cao. Không ít người đang đặt ra mối lo về tình trạng sụt giảm khách du lịch tại các điểm đến khi vé máy bay quá đắt đỏ, thưa ông?
Ông Hoàng Nhân Chính: Câu chuyện này không phải mới. Trước đó, vào những dịp nghỉ lễ 30/4 hay 2/9, chúng ta đã chứng kiến hiện tượng giá vé máy bay tăng cao đột ngột từ 2-4 lần so với thời gian bình thường khác, đặc biệt là ở một vài chặng bay nội địa đến các điểm đến du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Tuy Hòa... Giá vé máy bay tăng cao cũng đẩy giá tour tăng đến 30-40%, do giá vé máy bay chiếm khoảng 30-60% giá tour nội địa, làm ảnh hưởng (tiêu cực) rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách.
Hậu quả là, do cung cầu thị trường, giá vé có khi tăng cao rồi lại giảm sâu khiến doanh nghiệp và khách du lịch hụt hẫng, suy giảm niềm tin đối với các điểm đến du lịch trong nước. Điểm đến trong nước bị vắng khách như Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng… Chúng ta gọi đó là cách làm “chặt khúc” hay tư duy “mùa gặt”.
Trong các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn Du lịch, chúng tôi cũng nêu ra vấn đề giá sản phẩm du lịch bị ảnh hưởng nhiều do không có sự điều tiết, hợp tác chặt chẽ giữa ngành hàng không và du lịch.
- Theo ông, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ liên quan tới du lịch đã và đang bị tác động ra sao khi giá vé máy bay ở mức cao trong nhiều đợt cao điểm?
Như tôi đã nói, giá máy bay đã tác động tiêu cực đến lượng khách của Phú Quốc, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa,... đặc biệt là Phú Quốc vốn phụ thuộc rất lớn vào tiếp cận bằng đường hàng không.
Vấn đề là giá vé máy bay tăng cao trước mùa cao điểm khoảng 1-2 tháng rồi lại hạ nhiệt khiến khách hàng không còn tự tin đặt chỗ sớm và cũng không trông chờ vào sự giảm giá sát chuyến đi.
Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, đối tượng chịu tác động là bản thân du khách, doanh nghiệp lưu trú, nhà hàng, người dân địa phương và nguồn thu cho địa phương. Thậm chí, bản thân các hãng hàng không cũng chịu tác động của sự biến động giá này bởi thực tế, mặc dù giá vé máy bay giảm nhiều sau đó nhưng nhiều chặng bay trong dịp lễ cũng chỉ đạt công suất 40%.
Rộng hơn, giá vé máy bay nội địa tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch trong nước, mà còn khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngoại tệ 'chảy' ra nước ngoài
- Thực tế, không ít du khách đã chọn đi du lịch nước ngoài với giá tour rẻ. Điều này đáng lo ngại ra sao?
Đúng là có thực tế này. Vé máy bay chiếm từ 40-60% giá tour, dẫn đến nhiều thời điểm tour nội địa có giá cao hơn tour đi các nước trong khu vực, điển hình như Thái Lan hoặc Indonesia. Khách du lịch thờ ơ với điểm đến trong nước mà chọn Bangkok, Phuket hay Bali vì giá cả cạnh tranh hơn. Điều này dẫn đến hệ lụy là ngoại tệ của Việt Nam chảy ra nước ngoài, du lịch nội địa và kinh tế địa phương gặp khó khăn nhiều hơn.
Chúng ta đều thấy rõ ràng cần có sự “bắt tay” giữa hàng không và du lịch để tìm giải pháp lâu dài bởi thực tế, du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch.
- Từ việc giá tour du lịch nước ngoài bao gồm giá vé máy bay rất rẻ, theo ông, Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là sự đồng hành của ngành hàng không?
Nhìn ra các nước xung quanh, chúng ta thấy các điểm đến cạnh tranh có sự phối hợp rất tốt để hỗ trợ cho du lịch. Ví dụ Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt ngân sách 3,95 tỷ Baht để kích cầu du lịch, bao gồm các loại vé du lịch ẩm thực (food tour voucher), giảm giá phòng lên tới 40%... Trước đó, Thái Lan cũng đã có chính sách trợ giá 2 triệu vé máy bay hay nhiều chính sách giúp tăng tần suất, số lượng chuyến bay thương mại, giảm giá vé. Hay, Malaysia đã kêu gọi các hãng hàng không trong nước giảm giá vé máy bay cho mùa lễ hội.
Qua bài học của các nước trong khu vực chúng tôi cho rằng cần có vai trò dẫn dắt điều phối của cơ quan quản lý du lịch, hợp tác giữa hàng không với các doanh nghiệp du lịch tại các điểm đến theo tinh thần "lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ", hoặc giải pháp win-win (hai bên cùng có lợi), hoặc win-win-win (các bên cùng có lợi) sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên.
Vấn đề là doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ tới mình bởi đây là lợi ích cho tất cả các bên, khi khách du lịch sẽ lựa chọn các điểm du lịch nội địa, các đơn vị du lịch và chính các hãng hàng không từ đó được lợi, đồng thời là người dân tại các địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước.
- Để thực sự thúc đẩy du lịch phát triển, đặc biệt là tránh cách làm “mùa gặt” như ông nói, Việt Nam cần có hành động ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Chúng tôi đã thảo luận tại các cuộc họp và thấy rằng trước hết để có sự phối hợp giữa hàng không và du lịch, chúng ta cần một cơ quan nhạc trưởng để định hướng, điều tiết.
Sau Covid-19, xu hướng khách du lịch nội địa là tự tìm thông tin điểm đến, các sản phẩm du lịch và phương tiện đi lại, sau đó tự đặt mua các dịch vụ cơ bản như vé máy bay và phòng khách sạn như một gói combo. Bởi thế, nên chăng cần có sự hợp tác giữa các hãng hàng không và du lịch (lưu trú) để tạo ra các gói sản phẩm (combo) khác nhau phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường. Các gói sản phẩm này đáp ứng nguyên tắc win-win và win-win-win theo quy luật thị trường.
Ngoài ra, như tôi nói ở trên, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm Thái Lan để có các chính sách phù hợp hỗ trợ du lịch cũng như chú trọng các giải pháp khuyến khích nâng cao hình ảnh điểm đến, khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thị trường, ứng dụng các giải pháp công nghệ.
- Xin cảm ơn ông.