Đường dây quá tải, không thể phát điện lên lưới
Số liệu được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra tại hội nghị vận hành các nhà máy điện mặt trời và gió các tỉnh Ninh Thuận Bình Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 3/7 cho thấy, chỉ trong 1 thời gian ngắn, gần trăm nhà máy điện mặt trời đã ồ ạt vận hành.
Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy điện đóng điện thành công. 3 tháng đầu năm 2019 thêm 5 nhà máy. Thế nhưng từ tháng 4 đến tháng 6 có tới 81 nhà máy đóng điện thành công vào hệ thống điện.
Như vậy, chỉ riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là 45.000 MW).
Có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới để hưởng giá ưu đãi. Ảnh:Lương Bằng |
Số lượng nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn như trên là điều “chưa từng có trong lịch sử” ngành điện Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phải thốt lên: Trong một thời gian ngắn đóng điện 81 nhà máy điện chắc chỉ ở Việt Nam mới có thôi.
Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất. Cụ thể, Ninh Thuận có 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000 MW, còn Bình Thuận có 19 nhà máy với tổng công suất 871 MW.
Vì thế, đây là nơi tình trạng quá tải lưới điện diễn ra trầm trọng. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%. Điển hình Trục đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí quá tải tới 260-360%...
Vì vậy, nếu không có biện pháp giải quyết tình trạng này thì đến năm 2020 tình hình ngày càng trầm trọng hơn. “Nguy cơ sự cố, rã lưới (mất điện cả hệ thống điện quốc gia - PV) là rất cao”, A0 cảnh báo.
Lưới điện khu vực quá tải khiến cho nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo không thể phát hết lên lưới lượng điện sản xuất được.
Đại diện điện mặt trời Phước Hữu, Ninh Thuận bày tỏ “hơi buồn” vì ngày nào cũng nhận văn bản của Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam yêu cầu cắt giảm công suất, tỷ lệ thường là 30-60% công suất. Điều này khiến phương án tài chính của dự án không như mong đợi, nguồn trả nợ sẽ rất khó khăn.
Ngay cả các dự án điện gió cũng bị “vạ lây” khi bị giảm phát.
Nhắc đến các dự án điện mặt trời ồ ạt vào để hưởng giá hơn 2.000 đồng/kWh, ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận nói “niềm vui của người làm điện mặt trời” là nỗi buồn của người làm điện gió.
“Nỗi buồn” mà ông Thịnh nhắc đến là việc nhà máy điện gió Phú Lạc 1 và Bình Thạnh 1 bị giảm phát điện lên lưới. “Đã có nhà máy điện gió bị ngân hàng siết nợ. Năm nay cắt thế này chúng tôi chắc chắn lỗ. Chưa kể chúng tôi phải trả nợ nước ngoài”, ông Bùi Vạn Thịnh lo lắng khi phải chia sẻ đường dây cho điện mặt trời.
“Các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời và cả EVN, với tình trạng cắt giảm công suất này chúng ta đều là nạn nhân. Gió tốt, mặt trời sáng, mà điện không ra được, hàng nghìn tỷ đồng không ra được, đau xót lắm.
“EVN thì sao? Mua 9,35 cent/kWh (hơn 2.000 đồng), bán ra chỉ gần 8 cent/kWh (hơn 1.800 đồng) thì lời lãi ở đâu. Chúng ta đều là nạn nhân. Nạn nhân ngồi với nhau thì cố gắng tìm ra giải pháp”, ông Thịnh nghẹn ngào.
Điện mặt trời thực sự đã lên cơn sốt. Ảnh: Lương Bằng |
Nguyên nhân vì sao?
Nói về lý do khiến nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo rơi vào cảnh giảm phát, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận chỉ trích việc bổ sung quy hoạch dồn dập các dự án điện mặt trời mà không tính toán đến lưới truyền tải.
Ông Bùi Vạn Thịnh ví von: Sân Mỹ Đình 40 nghìn chỗ, đầu tiên lèo tèo mấy người, thấy trận đấu hay quá bán vé cho 200 ngàn người. Như thế đương nhiên quá tải.
Thực tế, mức hấp dẫn của giá bán điện hơn 2.000 đồng/số đã khiến nhiều chủ đầu tư chạy theo cơn sốt điện mặt trời. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng ký hợp đồng mua bán điện với điều khoản chấp nhận bị giảm phát khi lưới điện quá tải.
“Mỗi kWh điện phát ra đều rất quý. Trong khi nước ta đang thiếu điện mà phải giảm phát các nhà máy điện mặt trời chúng tôi cũng xót lắm. Vừa rồi nắng nóng chúng tôi phải phát 2.000MW điện bằng dầu diesel với mức giá rất cao”, ông Trần Đình Nhân nói. |
“Dự án đường dây 220-500KV cần 3-5 năm mới hoàn thành dự án. Trong khi các nhà đầu tư điện mặt trời 6-2 tháng đã làm xong 1 nhà máy. Có dự án cách đây 2 tháng là bãi đất trống, mà giờ đã đóng điện”, lãnh đạo EVN cho hay.
Đáng nói, Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đến 2020 mới có 850MW năng lượng mặt trời. Nhưng đến bây giờ đã có 4.500MW điện mặt trời đóng điện. Đến 2020 dự kiến có tới 11.900 MW điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho rằng: Trong số hơn 80 nhà máy đóng điện thời gian qua, hầu hết bổ sung quy hoạch trong năm 2018. Do vậy lưới truyền tải để giải tỏa công suất cũng được bổ sung quy hoạch vào cuối năm 2018.
“Cho nên đây là sự không đồng bộ giữa lưới điện truyền tải và sự đầu tư các nhà máy điện mặt trời”, lãnh đạo EVN chia sẻ.
Tình trạng quá tải lưới điện chỉ mới xuất hiện trong mấy tháng vừa qua khi các dự án đồng loạt đóng điện trước tháng 7/2019.
Vì thế, EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty điện lực miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây. “Hôm qua tôi đề nghị Tổng công ty điện lực miền Nam làm đường dây 110KV mạch 2 từ Tháp Chàm - Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí - Phan Thiết bằng dây siêu nhiệt, tiết diện đủ lớn để tăng công suất truyền tải. Phấn đấu đến 2020 không còn nhà máy điện bị giảm phát”, ông Trần Đình Nhân nói.
“Chúng tôi bằng mọi cách giải tỏa hết công suất cho nhà đầu tư”, lãnh đạo EVN chia sẻ và yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây để sớm khắc phục tình trạng quá tải lưới điện.
Dùng nguồn điện này: 3.500 đồng/kWh dân có chịu nổi không
Giá điện mặt trời đến tay người dùng lên đến 3.500 đồng/số điện, cao gần gấp đôi mức giá bán lẻ bình quân hiện hành. Điện sạch chưa bao giờ là rẻ.
Lương Bằng