Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga từ ngày 8-10/9.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2024 đánh dấu 30 năm hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga và 20 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

W-Trần Thanh Mẫn 230524_4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Hoàng Hà

Trước chuyến thăm, trên trang web của Duma Quốc gia Nga, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Ivan Melnikov cho biết, Duma Quốc gia Nga rất coi trọng chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là chuyến thăm được mong chờ từ lâu.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kể từ khi được bầu vào cương vị Chủ tịch Quốc hội hồi tháng 5/2024, nối tiếp sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin hồi tháng 10/2023 và mới đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nga Putin.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga nhận định, quan hệ giữa Nga và Việt Nam đang phát triển đi lên, đặc biệt chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam hồi tháng 6 năm nay đã tạo xung lực mới mạnh mẽ.

Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó đòi hỏi phải có các quyết định lập pháp.

Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hà Nội, Tổng thống Putin chỉ ra rằng việc thông qua các quyết định lập pháp sẽ tạo được nền tảng vững chắc, đáng tin cậy cho hợp tác hai nước trong lĩnh vực kinh tế, nhân văn và an ninh.

Hai bên đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Liên bang Nga - Việt Nam. Nội dung nghị sự sẽ mang tính chất tổng thể và đề cập đến vấn đề thời sự đang đòi hỏi các giải pháp như hợp tác liên ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng bền vững kim ngạch song phương, các dự án năng lượng - nhiên liệu, xây dựng, y tế, du lịch…

Dự kiến hai bên sẽ ra tuyên bố chung về kết quả của phiên họp này.

z5557825128886_18d00a012f8c92cd5fcfa8aefd18f574.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6/2024. Ảnh: Phạm Hải

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho biết, Phiên họp Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Liên bang Nga - Việt Nam diễn ra ngay trước thềm Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật là biểu tượng tích cực cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Ông Ivan Melnikov cũng bày tỏ tri ân tới cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp lớn cho quan hệ hữu nghị Nga - Việt và là người có công trong việc thành lập cơ chế hợp tác Ủy ban Hợp tác liên nghị viện ngày nay. 

Trả lời báo chí Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội đàm và cùng Chủ tịch Duma Quốc gia Nga chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện.

Hai bên đã tổ chức thành công Phiên họp lần thứ nhất vào năm 2019 tại Nga, Phiên họp lần thứ hai vào năm 2023 tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga. Hai bên sẽ ký mới thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga, ký thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Duma Quốc gia Nga

Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội kiến và tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Nhà nước Liên bang Nga cũng như lãnh đạo một số chính Đảng lớn của Liên bang Nga và có nhiều hoạt động quan trọng khác.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, mô hình Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam và Liên bang Nga là mô hình hợp tác liên nghị viện cấp cao nhất, đầu tiên giữa Quốc hội nước ta với một cơ quan lập pháp nước ngoài do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là đồng Chủ tịch Ủy ban.

Trên cơ sở hiệu quả thiết thực của mô hình hợp tác này, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội/Nghị viện một số nước đã thiết lập cơ chế hợp tác tương tự.

Về cơ chế, Ủy ban họp mỗi năm một lần luân phiên tại mỗi nước. Tại mỗi phiên họp, hai bên sẽ trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về việc ban hành chính sách, pháp luật; cùng nhau rà soát, giám sát tình hình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp thúc đẩy triển khai văn kiện đã ký kết trên tất cả lĩnh vực.

Thông qua cơ chế hợp tác này, hai bên sẽ phát huy vai trò hỗ trợ của Quốc hội đối với Chính phủ và địa phương hai nước để thúc đẩy ưu tiên trọng tâm hợp tác trong quan hệ song phương.

Ngay sau chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban liên Chính phủ hai nước cũng sẽ họp tại Moscow để trao đổi cụ thể về các nội dung hợp tác giữa hai Chính phủ.