Phải loại bỏ hoàn toàn các khoản chi tiêu từ công quĩ cho phần “tiếp khách”.

Ngày 9/9, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Tỉnh Hải Dương cho biết đơn vị này buộc phải làm tờ trình xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để trả các khoản nợ do tiếp quá nhiều khách đến thăm. Được biết cơ quan này đã phải ghi nợ ở các nhà hàng, khách sạn hơn 300 triệu đồng.

Tiếng Anh có câu: No Free Lunch, không có bữa trưa nào là miễn phí. Hàm ý khi nhận một ân huệ, một quà tặng của người khác, đồng nghĩa với trách nhiệm đáp lễ.

Tiếp khách, sự vui vẻ vô tư hay một xã giao mang ý hướng vị kỉ, sự vâng lời nhiệt tình hay miễn cưỡng, sự chấp thuận vì nỗi sợ bị trù dập hay sự tôn sùng cấp trên, sự tham gia ham vui hay một hy vọng vào quan hệ, sự ngưỡng mộ quý mến chân thành hay giả vờ lấy lòng… ?

{keywords}
Không có bữa trưa nào miễn phí. Ảnh minh hoạ: Thu Hà

Để xác định được bản chất của sự việc thì chỉ có những người trong cuộc mới biết chính xác. Không hiếm trường hợp một hành động lại hàm chứa nhiều động cơ, mục đích.

Nếu là cấp trên đi công tác thì đã có công tác phí. Nếu có đi ăn chung, cấp trên phải tự trả tiền. Việc này mới nghe có thể là buồn cười, nhưng đây là điều chúng ta cần hướng tới.

Không nên cố tình làm mờ nhận thức coi việc ấy là nhỏ, không đáng quan tâm.

Mọi tham nhũng lớn đều bắt đầu từ những quan niệm rất nhỏ lúc ban đầu. Về mặt công việc, thì rõ rồi, còn về mặt xã hội thì cấp dưới, cấp bình đẳng.

Cấp dưới, nếu là một người có năng lực, chuyên môn tốt thì đầu cần phải mua ân huệ, lấy lòng cấp trên, có nơi còn dùng một từ khá phổ biến là “đi hầu” cấp trên.

Tất nhiên, nếu trong một xã hội có nhiều tham nhũng, câu kết bè phái, việc cất nhắc phụ thuộc sẽ bị các mối quan hệ lợi ích nhóm chi phối. Đây chính là điều chúng ta cần lên tiếng.

Quay lại chuyện khách đến thăm là sếp, có người cho rằng, việc tiếp đón như vậy là bình thường. Nhưng không khó để thấy quan niệm này đang bị số đông rùng rùng phản đối.

Họ bảo, nêu những điều không bình thường đó được coi là “bình thường” thì xã hội sẽ khó phát triển bình thường.

Có người lại bảo, hoạt động đón tiếp ăn uống như vậy giúp cấp trên, cấp dưới gần gũi hơn. Tại sao phải gần gũi? Bởi thế dư luận mới kháo nhau rằng, trong công việc nhu cầu gần gũi chỉ có khi người ta cần tới nhau để nương tựa, để kép bè, kết nhóm. Hiển nhiên một khi tư duy về công việc không rõ ràng, công tư đan xen, tình cảm chi phối thì tất ảnh hưởng tới công việc chung.

Còn nữa, rủ rê kéo nhau đi ăn trưa, ăn tối, uống bia lai rai dễ tạo ra một tiền lệ xấu, dễ nảy sinh những quan hệ ngoài công việc. Nếu quan sát kỹ hơn sẽ không khó thấy, hầu hết các bữa tiệc tiếp khách này đều lấy hoá đơn từ nhà hàng, để về thanh toán với cơ quan.

Nhiều trường hợp như báo chí đã nêu, có những địa phương đã lạm tiêu vào ngân sách để chi trả cho bữa tiệc tiếp đãi các cấp trên, dẫn tới lạm chi, nợ nần, phải làm tờ trình xin trung ương hỗ trợ kinh phí.

Đất nước chưa giàu, còn nhiều người nghèo đang vật lộn với cuộc sống. Thiết nghĩ phải loại bỏ hoàn toàn các khoản chi tiêu từ công quĩ cho phần “tiếp khách” là việc cần làm trước nhất trong việc siết lại chi tiêu công.

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 với mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực và góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế: Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia (trích).

Đoàn Bảo Châu