Lời tòa soạn: Lâu nay, không ít người dân khi bước chân vào bệnh viện lại có suy nghĩ phải có phong bì "lót tay" cho bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, hay một cuộc gọi "nhờ trước" mới được khám, chữa bệnh nhanh hơn, quan tâm chăm sóc chu đáo hơn.
Người không đưa phong bì nhìn người “thủ sẵn” sẽ chạnh lòng, lo lắng, thậm chí hoài nghi khả năng mình sẽ không được chăm sóc, điều trị tốt. Đâu đó còn có người mặc cảm, coi đây là nguồn cơn cho những thái độ ứng xử chưa đúng mực trong một giây phút nào đó của cán bộ y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế và các bệnh viện luôn khẳng định chủ trương “nói không với phong bì” trong bệnh viện và yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Thậm chí có bệnh viện công khai kêu gọi người dân "tôn trọng cán bộ y tế, tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ y tế, nếu vi phạm sẽ bị mời ra khỏi bệnh viện".
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những chuyện "con sâu bỏ rầu nồi canh", vẫn còn những chuyện “phải có gì thì mới được khám sớm mổ nhanh, chọn bác sĩ tốt”.
Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận, dẹp nạn “phong bì” trong ngành y là một cuộc chiến lâu dài trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải, lương nhân viên y tế chưa cao, chế độ đãi ngộ còn thấp…
Có phải “phong bì” là thầy thuốc và bệnh nhân đang làm hư lẫn nhau? Làm gì để “phong bì” tiêu cực sẽ được giải quyết triệt để trong bệnh viện, để đây chỉ là sự biết ơn thầy thuốc bằng lời? Làm gì để bệnh nhân vào viện không canh cánh nỗi lo “chưa nhờ được ai”, chưa chuẩn bị “điều kiện cần” nên không yên tâm thăm khám?
Báo VietNamNet mở diễn đàn thảo luận: “Phong bì bệnh viện - có phải thầy thuốc và bệnh nhân làm hư nhau?"
Dưới đây là quan điểm về chuyện “phong bì” của ThS Trần Hồng Đức, Khoa Gây mê hồi sức và chống đau – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Là một nhân viên y tế ngoài 10 năm trong nghề, bạn có chạnh lòng không khi những giá trị hàng ngày bạn đang gìn giữ bị đối xử, đánh giá sai lệch? Thay vì bực tức thì tôi thấy buồn hơn!
Có thể họ không nói quá và cũng không nói sai, họ nói những gì họ gặp phải khi lâm vào tình cảnh yếu thế nhất đối với mỗi con người, là khi gặp vấn đề về sức khoẻ! Khi ốm đau mình thường được mọi người thăm hỏi động viên, cho quà, cho tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn đó! Nhưng đi bệnh viện, họ phải cầu cạnh nhờ vả và cả “phong bì” để mong được khám-chữa sớm và tốt!
Về cơ bản, khi bước chân vào ngành Y không một nhân viên y tế nào mong muốn làm giàu bằng “phong bì” của người bệnh cả! Mong muốn đầu tiên của chúng tôi là có thể giúp được người nhà mình, người thân cũng như họ hàng khi có vấn đề về sức khoẻ, thứ đến mới mong là một công việc hay là một cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình riêng!
Thế nhưng vì sao nên nỗi? Đó là một quá trình mà hai bên “làm hư” cũng như đẩy nhau đến tình cảnh người khoẻ “ăn” của người ốm! Nếu ai cũng giữ được văn hoá xếp hàng, tuân thủ thứ tự ưu tiên, tôn trọng chuyên môn của thầy thuốc để được khám, điều trị và chăm sóc đúng đủ, kịp thời, không cần “quá” thì người bệnh sẽ được phục vụ đúng theo nguyên tắc chúng tôi được đào tạo và phân cấp theo đúng chuyên môn.
Người bệnh và người nhà vô tình đã tạo áp lực để nhân viên y tế làm “quá” những gì theo nguyên tắc, để mong muốn những gì tốt nhất cho người bệnh, đa số là áp lực “mềm” như: Gọi cho người thân và trong tiềm thức là phải “phong bì” luôn thôi. Một vài nơi là áp lực cứng như chửi bới đe doạ và hành hung!
Xin thưa, đừng dùng “phong bì” để tự mua chuộc sự yên tâm về sức khoẻ cho bản thân hay người thân của mình. Hãy là người bệnh thông thái! Nhân viên y tế chúng tôi chắc chắn đâu đó còn những vấn đề chưa được như mong muốn của người bệnh. Nhưng về cơ bản, nhân viên y tế mỗi ngày đi làm đều mong làm tròn nhiệm vụ ở mỗi vị trí công việc của mình. Sức khoẻ và tính mạng người bệnh được an toàn thì nhân viên y tế mới an toàn được.
Là người bệnh thông thái, hãy có nhiều lựa chọn. Với hệ thống y tế công đang thay đổi và hoàn thiện về thái độ phục vụ, hệ thống y tế tư nhân ngày càng mở rộng và phát triển về chuyên môn thì người bệnh sẽ được đáp ứng đầy đủ cả về chuyên môn và chất lượng dịch vụ!
Y tế là một ngành nghề đặc biệt. Nhân viên y tế cũng đang mong chờ một chế độ đặc thù hơn nữa để đỡ lo phần nào cơm áo gạo tiền, để có thể mạnh dạn “mắng” người bệnh khi họ cố cho “phong bì” vào 2 túi áo trắng này!
Được làm việc tại bệnh viện mới tròn 15 tuổi, nhưng có cơ chế vận hành rất đặc biệt, chúng tôi luôn cố gắng làm tốt và phát triển chuyên môn cũng như giữ gìn và nâng cao thái độ phục vụ.
Tôi vẫn nhớ câu nói của người thầy từng nói với tôi khá lâu rồi: “Ngày xưa quát mắng bệnh nhân còn 'lòi' phong bì ra, bây giờ quát mắng thì không có bệnh nhân đến nữa”. Có lẽ cũng vì chuyên môn cao và đạo đức ấy mà thầy đang rất được yêu quý và nổi tiếng trong ngành, bệnh viện của thầy được rất nhiều người bệnh tin tưởng tìm đến!
Xin được chia sẻ chút nỗi niềm riêng về “niềm tự hào” của rất nhiều nhân viên y tế như tôi khi chọn bước đi trên con đường này! Mỗi ngành nghề, mỗi con người đều có lòng tự trọng và niềm tự hào của mình, hãy cùng cố gắng gìn giữ và ước mong ngày mai luôn tốt đẹp hơn.
Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Phong bì bệnh viện - có phải thầy thuốc và bệnh nhân làm hư nhau?".
Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bansuckhoe@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.
Xin chân thành cảm ơn.
Trong chiếc phong bì ấy chỉ có một triệu đồng và lá thư cảm ơn. Người bác sĩ nói, "Tôi không thiếu", rồi quay lưng đi.
Thực tế trước khi đi bệnh viện khám, chữa bệnh, không ít bệnh nhân hay người nhà có 2 câu hỏi phổ biến nhất: “Có quen ai không?” và “Có phải phong bì không?”.
Văn hoá của người Việt Nam luôn biết ơn những người giúp đỡ mình, nhất là trong những lúc “ngàn cân treo sợi tóc”. Bày tỏ sự biết ơn ấy có thể bằng nhiều hình thức. Nhưng nếu lấy vật chất làm tiền đề thì hoàn toàn không đúng.