Các hình thức tấn công nhắm đến người dân ngày càng tinh vi

Thời gian qua, đặc biệt là từ sau tiến trình chuyển đổi số được đẩy mạnh tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức khi chuyển dịch hoạt động lên môi trường số phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin hơn. Nhiều người dân giai đoạn vừa qua đã gặp phải những vấn đề về an toàn thông tin khi lộ lọt thông tin cá nhân, tấn công mạng, làm ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống.

Chia sẻ quan điểm về việc mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít người dân bị lừa đảo, lây nhiễm mã độc, Chủ tịch công ty An ninh mạng Việt Nam VSEC - Trương Đức Lượng phân tích, có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do quan trọng nhất là các hình thức tấn công nhắm đến người dân ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, với tấn công lừa đảo, các đối tượng tìm hiểu rất kỹ về nạn nhân, thực hiện các hoạt động tạo niềm tin trong một thời gian dài trước khi lừa chiếm đoạt tài sản.

Các hình thức tấn công, nhất là tấn công lừa đảo nhắm vào người dùng trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, không gian mạng hiện là không gian sống, làm việc, học tập và giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam, tương đương với trên 79% dân số. Trung bình mỗi người dân Việt Nam dành gần 7 tiếng hàng ngày tham gia không gian mạng. Thế nhưng, môi trường mạng lại không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người dân.

Cũng vì thế, trong định hướng phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đến năm 2025, Bộ TT&TT đã xác định phải tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân, tạo lập “niềm tin số” trên môi trường mạng.

Nhiều giải pháp để trang bị kỹ năng an toàn cho người dân

Bàn về giải pháp, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch Công ty VSEC Trương Đức Lượng cũng cho rằng, nâng cao nhận thức cộng đồng vẫn là biện pháp hiệu quả với chi phí tối ưu.

“Việc này nên được làm thường xuyên, đa dạng cách thể hiện, chia nhỏ theo chủ đề và đối tượng để cộng đồng lớn và cộng đồng hẹp có thể thường xuyên nhận thông điệp và ghi nhớ thuận tiện hơn”, ông Trương Đức Lượng đề xuất.

Bảo vệ người dân an toàn trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng của lĩnh vực an toàn thông tin mạng. (Ảnh minh họa: techtimes.vn)

Trong kế hoạch hành động cập nhật về triển khai “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” mới ban hành, Bộ TT&TT cũng nêu rõ một chỉ tiêu quan trọng của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng là tỷ lệ người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Cụ thể, mục tiêu cần đạt trong năm nay với chỉ tiêu này là đưa tỷ lệ người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng hiện đang dưới 20% lên đạt 50%. Con số này sẽ được tăng tiếp lên đạt 70% và 80% trong các năm 2024 và 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp sẽ được Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin triển khai trong thời gian tới. Theo đó, dự kiến trong tháng 7/2023, chương trình đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cơ bản sẽ được tổ chức.

Chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin sẽ diễn ra từ quý II đến quý IV năm nay. Song song đó, trong tháng 11, Cục An toàn thông tin còn chủ trì triển khai Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng Việt Nam năm 2023.

Cũng hướng tới việc bảo vệ người dân trên không gian mạng, trong cả năm 2023, Cục An toàn thông tin còn cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”.

Trước đó, vào cuối năm ngoái, Bộ TT&TT đã thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Thời gian tới, Liên minh sẽ xây dựng và chia sẻ miễn phí nội dung tuyên truyền và phổ biến kỹ năng dưới nhiều hình thức như video, tài liệu, poster, bài viết… để tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng miễn phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền. Các cơ quan, tổ chức cần liên hệ Cục An toàn thông tin để được cung cấp miễn phí nội dung tuyên truyền.

Trong chia sẻ tại hội nghị tập huấn hồi trung tuần tháng 3 về kỹ năng an toàn thông tin cho người dùng trên không gian mạng, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, người dân là điểm khởi phát, trung tâm của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Vì thế, bảo vệ người dân an toàn trên không gian mạng cũng là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng của lĩnh vực an toàn thông tin mạng.

“Mỗi người dân cần phải là công dân số thông minh, văn minh và an toàn trên không gian mạng. Người dân cũng cần được trang bị đầy đủ những kỹ năng an toàn thông tin”, ông Trần Đăng Khoa cho hay.