Hơn 80% sự cố mất an toàn thông tin do người dùng thiếu kỹ năng tự bảo vệ 

Ngày 9/3, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Yên Bái và UBND thị xã Nghĩa Lộ tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng an toàn thông tin cho người sử dụng trên không gian mạng.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ - ông Lương Mạnh Hà cho biết, địa phương đặc biệt chú trọng, quan tâm đến an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, ông Lương Mạnh Hà khẳng định chuyển đổi số được địa phương này xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều hoạt động thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội được thị xã tích cực triển khai.

Ba trọng tâm trong năm 2023 là chuyển đổi số lĩnh vực du lịch để tăng doanh thu và số lượng du khách; phát triển các hình thức thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; phát triển chính quyền số, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. 

“Bên cạnh việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số, Nghĩa Lộ cũng đặc biệt chú trọng đến an toàn thông tin trên môi trường mạng. An toàn thông tin là chìa khóa để thị xã chuyển đổi số thành công”, ông Lương Mạnh Hà nhấn mạnh. 

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT

Theo đánh giá của ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, quyết tâm chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số của Thị ủy, UBND thị xã chính là một lợi thế lớn của Nghĩa Lộ. 

Khẳng định an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển, vận hành, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh: Bảo đảm an toàn không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước và mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trở nên thịnh vượng hơn. 

Không gian mạng là ngôi nhà chung của chúng ta. Giống như môi trường thực, cũng cần có bầu trời quang đãng và không khí trong lành, có hệ sinh thái tốt và cơ sở hạ tầng chất lượng. Đây là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Trung bình mỗi người Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày. “Tuy nhiên, không gian này lại không an toàn”, ông Trần Đăng Khoa lưu ý.

Theo thống kê, mỗi giây có khoảng gần 1.000 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới được tạo ra cùng với 40 điểm yếu, lỗ hổng mới/ngày. Mỗi người trung bình hứng chịu 3,5 cuộc tấn công mạng 1 năm. Riêng năm 2022, trên toàn cầu ghi nhận tới 480 triệu cuộc tấn công mã độc tống tiền - ransomware.

Là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam nhưng không gian mạng hiện không an toàn. (Ảnh minh họa: Internet)

Năm vừa qua, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật, trong đó có gần 1.500 trang lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, Cục đã cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; bảo vệ 4,87 triệu người dân, tương đương 6,96% người dùng Internet trước vấn nạn tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên mạng.

Mỗi người dân cần là 1 công dân số thông minh, văn minh và an toàn

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, người dân là điểm khởi phát, trung tâm của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bảo vệ người dân an toàn trên không gian mạng cũng là nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực an toàn thông tin mạng. 

Thống kê cho thấy, có tới 91% cuộc tấn công mạng khởi nguồn bằng thư điện tử lừa đảo và hơn 80% sự cố mất an toàn thông tin do người sử dụng thiếu nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ. Một lỗi nhỏ do thiếu kỹ năng an toàn thông tin có thể là điểm bắt đầu, leo thang của các cuộc tấn công mạng dẫn đến thiệt hại khó lường trước.

Vì thế, đại diện Cục An toàn thông tin chỉ rõ: Mỗi người dân phải là công dân số thông minh, văn minh và an toàn trên không gian mạng; được trang bị đầy đủ kỹ năng an toàn thông tin. Muốn làm được điều này này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tất cả các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và sự chung tay của mỗi người dân.

Thông tin về thực trạng tại địa phương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái Nguyễn Duy Khiêm cho biết, bảo đảm an toàn thông tin mạng được tỉnh chú trọng. Đặc biệt là, việc đưa vào khai thác, sử dụng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng (SOC) của Yên Bái bước đầu đóng góp vai trò quan trọng trong việc giám sát, ngăn chặn và phát hiện sớm các cuộc tấn công, mối đe dọa trên môi trường mạng. Năm 2022, hệ thống SOC đã phát hiện và xử lý 1.662 lượt máy tính bị nhiễm mã độc.

Tuy vậy, theo đại diện Sở TT&TT Yên Bái, công tác đảm bảo an toàn thông tin đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng nhận thức về an toàn an thông tin của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ; thiếu nguồn lực, giải pháp trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các mối nguy hại mất an toàn thông tin.