- Vì lòng tham, người ta vẫn có thể “đi ngang”, “đi xiên” hoặc “đi vòng”. Thậm chí trong thời đại ngày nay, ngồi tại chỗ nhưng các món “quà Tết” vẫn đến tận tay người nhận. 

Cách đây gần 5 năm, tôi viết bài Tết này ta phải đi ngang đăng trên Tạp chí Cộng sản số 2/2013. Khi gặp bạn bè, có người từng là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nhiều lần đi biếu quà Tết cấp trên, có lời khen động viên là bài viết “đọc được” nhưng cũng chê luôn rằng “viết như thế là đúng nhưng chưa đủ”, rằng “người ta không chỉ “đi ngang” mà còn “đi xiên”, “đi vòng” mới đưa và nhận được “quà Tết”. “Hơn nữa, bây giờ đâu phải cứ đến Tết người ta mới biếu tặng quà nhau mà là Tết quanh năm, thậm chí càng không phải ngày Tết, họ vẫn biếu tặng nhau cả tiền tỷ mỗi khi trúng quả, vào cầu”.

Đến nay, sau gần 5 năm, người viết bài này thấy mình thật là lạc hậu và dù có trí tưởng tượng phong phú đến mấy thì cũng không thể hình dung được con số khủng về các món “quà Tết” mà có người đã tặng và nhận. Trên báo chí thời gian qua đưa những thông tin làm ai cũng phải giật mình và xót xa.

Trịnh Xuân Thanh có lần đã nhận cả vali tiền, giá trị cả chục tỷ đồng từ đồng bọn.

Tại một phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm, các bị cáo cãi lộn nhau về số tiền, số lần đi đưa quà lễ, Tết. Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank đã có lần khai rằng, hàng năm phải đi lễ Tết hai vị lãnh đạo Vietsovpetro, rằng việc đi quà lễ, Tết diễn ra khoảng 2 năm, từ 8-10 lần, mỗi lần áng chừng 10.000-20.000 USD hoặc 300 triệu đồng (Hội đồng xét xử tính sơ sơ “ít nhất là 3 tỷ”). Bị cáo này cũng thừa nhận: “truyền thống chi quà dịp lễ tết là nỗi khổ của doanh nghiệp”.

Còn bị cáo Nguyễn Minh Thu thì khai thời điểm Thu làm Phó TGĐ OceanBank có đi cùng Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu đến Vietsovpetro, một năm định kỳ khoảng 4 lần, vì Vietsovpetro có quan hệ tiền gửi với ngân hàng, bị cáo đến để thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng và cảm ơn, tổng cộng bị cáo chi cho lãnh đạo Vietsovpetro khoảng 22,7 tỷ đồng (từ tháng 7/2012 và tháng 6/2014). Số tiền này bị cáo đã cung cấp cho cơ quan điều tra và bị cáo khẳng định đó là con số chính xác.

Chưa biết mức độ chính xác của các con cố mà các bị cáo đưa ra, nhưng điều chắc chắn rằng, số tiền các bị cáo đưa cho các “đối tác” là rất lớn và nó không đơn thuần là quà Tết thông thường mà là “tiền tiêu cực”, là lợi ích nhóm. Đồng tiền đó lại được đi lòng vòng không chỉ vào dịp Tết mà là vào nhiều thời điểm trong năm.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trong những năm qua, trước dịp đón Tết cổ truyền dân tộc, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đều ban hành chỉ thị, quy định về việc tổ chức Tết. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại ban hành Chỉ thị về tổ chức Tết năm 2018, trong đó có quy định: “Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên tranh thủ cấp dưới với mọi hình thức…”. 

Cách đây ít hôm, nhắc đến chỉ thị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đừng biểu xén Tết nữa. Chủ tịch, Bí thư, các đồng chí lãnh đạo các địa phương không phải lên TƯ để biếu xén lãnh đạo. Phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được”.

Điều này thể hiện sự quan tâm và quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong việc loại bỏ tệ nạn xã hội đã thành nếp trong một bộ phận các bộ lãnh đạo, quản lý, núp dưới danh nghĩa là “quà Tết” nhưng thực chất là hối lộ, tham nhũng.

Nhưng cũng có những người cho rằng, Chỉ thị của Đảng, quy định của Chính phủ tuy có hạn chế được tệ nạn tham nhũng, hối lộ trong dịp Tết, tuy nhiên, điều này chỉ ngăn được người ngay chứ chưa thể cấm hết được kẻ gian. Thường thì “Thượng có chính sách thì hạ có… đối sách”. Bởi vì, dù có cấm cấp dưới “đi lên”, cấp trên “đi xuống” nhưng vì lòng tham, người ta vẫn có thể “đi ngang” và “đi xiên” “đi vòng” thậm chí trong thời đại ngày nay, ngồi tại chỗ nhưng các món “quà Tết” vẫn đến tận tay người nhận.

Vấn đề căn bản nhất hiện nay là hình thức thanh toán, giao dịch bằng tiền mặt còn phổ biến thì không khó khăn gì để chuyển chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí cả hàng chục tỷ đồng, cả hàng triệu USD một cách an toàn bằng nhiều cách khác nhau. Họ đi cả bằng máy bay lẫn ô tô biển xanh, ô tô biển trắng, taxi, xe ôm,... bất kể thời gian nào, tại muôn vàn địa điểm giao dịch khác nhau: nhà riêng, công sở, khách sạn, quán cà phê... Không đích thân sếp thì đã có vợ sếp, con sếp hay người thân cận nhận giúp.

Bây giờ “quà Tết” mà bằng túi bánh, giỏ trái cây, chai rượu ngoại trong đó bỏ cái phong bì mỏng mỏng đã trở thành lạc hậu. Với nhiều quan chức, ngoài tiền mặt, “quà Tết” phải là những căn biệt thự, căn hộ cao cấp, ô tô, cổ phiếu...  Trong khi các đại biểu Quốc hội còn đang tranh luận về việc làm sao kiểm soát được thu nhập, xử lý được những tài sản bất minh của cán bộ thì những kẻ tham nhũng đã nghĩ ra “trăm phương, nghìn kế” để rửa tiền, rửa của, tẩu tán của cải do tham nhũng, hối lộ mà có được.

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Mậu Tuất và đã có quy định cấm biếu xén, nhưng rồi những món quà “trên mức tình cảm” sẽ vẫn được đến, được nhận qua nhiều con đường khác nhau một cách tinh vi, không phải chỉ vào dịp Tết mà cả một, hai tháng trước Tết. Người ta thường hiểu ngầm với nhau là “quà Tết” sớm. Trước Tết mà chưa biếu được “quà” cho “sếp” thì ăn Tết cũng không ngon, vì “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, cho nên cứ Tết sớm cho chắc ăn. 

Kết luận bài báo đăng trên Tạp chí Cộng sản số 2/2013, tôi có trích một câu vè: “Đi dọc rồi lại đi ngang/ Đi mà không khéo đâm quàng vào gông”. Ấy vậy mà cũng nghiệm. Một số kẻ đi ngang, đi tắt để tặng “quà Tết” giai đoạn đó đã và đang phải hầu tòa và đeo gông vào cổ. 

Hi vọng sẽ còn nhiều kẻ nữa phải “đeo gông” như vậy, có thế những món tiền hối lộ, tham nhũng núp dưới danh nghĩa “quà Tết”, “quà biếu” mới mong thuyên giảm. 

Vũ Lân 

----------         

[1] Màn đối đáp chi cả chục tỷ cho Vietsovpetro của dàn lãnh đạo OceanBank, Zing.vn, 05/09/2017.

Cuối năm, những vali tiền 'bỏ quên' ở nhà sếp

Cuối năm, những vali tiền 'bỏ quên' ở nhà sếp

Mùa Tết, mùa mà người ta nghĩ về tính minh bạch và cơ chế giám sát trong các cơ quan công – khi nhà nhà “đi Tết sếp”. Không ai nhận ra rằng từ người cho đến người nhận đều là nạn nhân.

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa, yêu cầu “không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành”. Ông cũng yêu cầu “các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”, “ở các địa phương cũng vậy”.

Chỉ ‘bác tài’ mới hiểu sếp đi đâu, nhà ai?

Chỉ ‘bác tài’ mới hiểu sếp đi đâu, nhà ai?

Trong chuyện tặng quà Tết, một trong những đối tượng rất quan trọng giúp phát hiện chính là các “bác tài”, khi chỉ “bác tài” mới hiểu sếp đi đâu, về đâu.

Ai đi Tết sếp chỉ với lời chúc "suông"?

Ai đi Tết sếp chỉ với lời chúc "suông"?

Tôi rất đồng tình khi Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không được lên “chúc Tết” lãnh đạo.