Hầu hết các nền tảng công nghệ và mạng xã hội hiện nay như Facebook đều được xây dựng để kết nối con người lại với nhau. Ban đầu những người dùng sẽ dành ra một vài phút trong ngày để sử dụng Facebook. Sau đó thời gian sử dụng sẽ tăng lên, có thể là một vài giờ hoặc nhiều hơn. ĐIều đó làm cho chúng ta bị tiêu tốn thời gian một cách vô ích, trong khi bạn vẫn cảm thấy không hài lòng với cả công việc lẫn cuộc sống.
Đó là lí do vì sao các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu mối liên hệ giữa hành vi sử dụng mạng xã hội với tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Sau một thời gian nghiên cứu, họ nhận ra rằng những người ít hoặc không sử dụng facebook trong giờ nghỉ ít thường ít bị stress hơn so với những người sử dụng liên tục.
Việc phải tiếp nhận quá nhiều thông tin trên facebook cũng như phải duy trì liên lạc với bạn bè thường xuyên đều có thể gây ra căng thẳng. Nhà nghiên cứu xã hội học thần kinh hàng đầu Eric Vanman trao đổi trên CNBC Make It rằng: “Về lâu dài, việc tạm dừng sử dụng facebook một thời gian thực sự có thể giúp bạn giảm thiểu stress và kết nối nhiều hơn với cuộc sống thực sự xung quanh”.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội, Vanman đã khảo sát thói quen của 138 người dùng Facebook tích cực (những người dược cho là đã sử dụng facebook ít nhất 3 giờ mỗi ngày). Một nửa trong số họ được yêu cầu tạm dừng sử dụng facebook trong 5 ngày. Để đo mức độ căng thẳng của những người này, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu nước bọt để kiểm tra nồng độ cortisol – một loại hormon cho biết mức độ stress phát ra từ cơ thể họ.
Vanman giải thích rằng không có lượng cortisol "trung bình" để làm tiêu chuẩn đo lường, tuy nhiên các nhà khoa học có thể kiểm tra được sự thay đổi mức độ căng thẳng mà mỗi người cảm thấy trước và sau khi bỏ Facebook thông qua nồng độ cortisol. Ngoài phản ứng stress sinh lý, những người trong nghiên cứu cũng được yêu cầu báo cáo mức độ căng thẳng và hạnh phúc của họ.
Trước sự ngạc nhiên của Vanman, những người bỏ Facebook trong năm ngày cho biết họ giảm hẳn các cảm giác căng thẳng. Nhưng họ cũng đồng thời cảm thấy mức độ hạnh phúc suy giảm. Vanman giải thích những người này cảm thấy ít hạnh phúc trong thời gian không sử dụng facebook là do hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out), hay còn gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ.
Khi không tham gia mạng xã hội facebook, người dùng sẽ không còn bị làm phiền bởi quá nhiều thông tin, nhưng họ lại rơi vào cảm xúc sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một thứ gì đó.
“Những người này cảm thấy bị cắt đứt khỏi bạn bè của họ, khỏi những thông tin “nóng” trên mạng xã hội. Mặc dù việc theo dõi bạn bè của họ có thể là một nguồn gây căng thẳng”, Vanman nói.
Mặc dù mới chỉ là một nghiên cứu sơ bộ với mẫu khảo sát nhỏ, nhưng đây được xem là nghiên cứu đầu tiên chứng minh được tác động sinh lí của facebook đối với con người. Vanman cũng gợi ý rằng các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu khác có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ở cấp độ thời gian dài hơn.
“Bạn không cần thiết phải xóa bỏ hoàn toàn facebook ra khỏi cuộc sống của mình, nhưng việc ngừng sử dụng nó trong một thời gian ngắn sẽ giúp bạn có cơ hội kết nối nhiều hơn với những con người thực trong đời sống thực. Đây không phải là một “vấn đề thế kỉ” như nhiều vấn đề cấp thiết khác hiện nay. Nhưng nếu con người vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội mà không có sự cân bằng, kiểm soát, đó có thể là một điều tai hại đối với thế hệ tương lai", Vanman chia sẻ.
Theo GenK