Báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 ước đạt 456,1 triệu USD, giảm 32,2 triệu USD so với tháng trước nhưng tăng 169,7 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 5,31 tỷ USD, tăng 19,79% so với cùng kỳ tương ứng tăng 877,3 triệu USD, nhập siêu ở mức 744 triệu USD.

Tính riêng trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 182,6 triệu USD, tăng 4,44% so với tháng trước và tăng đến 44,89% so với cùng kỳ năm trước.

formosa.jpg
Formosa đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu của Hà Tĩnh tháng 10. (Ảnh: L.Bằng)

Trong đó, riêng xuất khẩu từ Formosa đạt hơn 172,7 triệu USD (chiếm 94,59% kim ngạch xuất khẩu) tăng 6,15% so với tháng trước và tăng đến 60,77% so với cùng kỳ.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: Đây là nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu trong tháng, thể hiện các doanh nghiệp đã nỗ lực trong phát triển thị trường, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam sẽ khiến việc xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. 

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh đạt gần 2,28 tỷ USD, tăng 60,19% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành thép và phôi thép chung toàn tỉnh 10 tháng tăng 70,46% so với cùng kỳ, xuất khẩu chè tăng nhẹ 1,91%.

Bên cạnh những nhóm hàng tăng trưởng tích cực, vẫn có những nhóm hàng xuất khẩu hết sức khó khăn. Trong đó, nhóm hàng xơ, sợi, dệt (giảm 19,32%); dăm gỗ (giảm 14,67%); thủy sản (giảm 10,8%). Nhu cầu từ thị trường đối tác giảm, dẫn đến đơn hàng sụt giảm, hoạt động xuất khẩu xơ, sợi dệt đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ năm 2022 tới nay.

Hoạt động của Formosa Hà Tĩnh cũng tác động đáng kể tới kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn. Theo báo cáo, kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 273,5 triệu USD, giảm 12,76% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng 70,6% (tăng gần 113,2 triệu USD).

Nguyên nhân chủ yếu do Formosa giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, công với việc thị trường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, tính bấp bênh trong giá các loại nhiên liệu xăng, dầu cũng khiến các nhà đầu tư hạn chế nhập khẩu mặt hàng này.