Theo số liệu được Hiệp hội ô tô Đông Nam Á (AAF) công bố, tính đến quý 2 năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam đã tiêu thụ được 201.840 xe, đứng thứ 4 trong khu vực, nhưng lại là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương thêm 51.359 xe).

Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho biết tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, khoảng 23 xe/1.000 dân, trong khi dân số ở mức gần 100 triệu người. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho các hãng xe nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại đây.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất và bán ra thị trường 1 triệu xe/năm. So với mức 400.000 xe/năm tiêu thụ hiện tại tưởng là bài toán khó, nhưng khi xuất hiện những "gã khổng lồ" sẵn sàng đầu tư vào làm ô tô ở Việt Nam, chúng ta có quyền đặt hy vọng.

"Gã khổng lồ" tìm đến đầu tư tỷ đô làm xe

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, thị trường ô tô Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ bằng các con số bán xe tăng trở lại, mà Việt Nam còn nhận được sự để ý của nhiều hãng xe nước ngoài.

Vào tháng 12/2021, tại triển lãm Quốc tế lần thứ 2 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2021, Cevo - thương hiệu xe ô tô điện của Hàn Quốc đã đem tới mẫu xe điện 2 chỗ ngồi với kích thước nhỏ bé.

Chiếc xe ô tô điện của Cevo được trưng bày tại triển lãm VIMEXPO 2021. 

Hãng Cevo cho biết đây là lần đầu tiên họ mang sản phẩm xe điện 2 chỗ ngồi đến Việt Nam. Trước đó, xe ô tô điện của Cevo chỉ bán tại thị trường nội địa và Việt Nam là quốc gia đầu tiên được hãng xe ô tô điện Hàn Quốc lựa chọn để mở rộng quy mô phát triển.

Mục đích có mặt tại triển lãm VIMEXPO 2021 chủ yếu là tìm đối tác để sản xuất, phân phối tại thị trường Việt Nam nói riêng và sau đó mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

Nếu bán tại Việt Nam, các mẫu xe điện của Cevo sẽ tập trung ở phân khúc xe giá rẻ chỉ dao động từ 200 - 240 triệu đồng. Còn tại Hàn Quốc, giá xe chỉ khoảng 150 triệu đồng (quy đổi từ Won ra VNĐ) do được Chính phủ trợ giá.

Đến tháng 10/2022, Cevo một lần nữa trở lại trong khuôn khổ Hội thảo giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, với mục đích tìm kiếm đối tác để có thể đưa sản phẩm xe điện vào bán cho người Việt. Khó khăn lớn nhất của Cevo là tìm kiếm được cơ chế hợp tác với doanh nghiệp Việt am hiểu chính sách, thủ tục để đưa được loại ô tô điện mini vào hoạt động.

Geleximco đang được đồn đoán sẽ hợp tác với Chery để phân phối dòng xe Trung Quốc tại Việt Nam.

Chery - thương hiệu có lượng xuất khẩu xe con lớn nhất Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm trở lại thị trường Việt Nam với tham vọng rất rõ ràng. Hãng Chery đã tìm hiểu và xây dựng đội ngũ nhân sự từ cách đây hơn 1 năm, nhưng mãi đến tháng 9 vừa qua các thông tin mới rõ ràng hơn.

Giống như lần đầu tiên xâm nhập thị trường ô tô Việt của 13 năm trước, Chery tìm kiếm một đối tác Việt Nam để hợp tác lắp ráp xe và mở rộng hệ thống đại lý phân phối.

Ở thời điểm này, Geleximco đang được đồn đoán sẽ trở thành đối tác của Chery. Dẫu cả hai bên đều chưa chính thức xác nhận, nhưng hãng Chery cho biết đây là một trong những đối tác đủ năng lực mà họ đang tiến hành đàm phán. Dự kiến, nhà máy sản xuất xe ở Thái Bình sẽ được đầu tư lên tới gần tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2030 có sản lượng sản xuất 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 từ năm 2030 trở đi công suất gấp đôi. 

Thế mạnh của Chery là làm xe giá rẻ và đang có thị phần tốt ở Trung Quốc. Do đó, nếu liên danh sản xuất ô tô mới ra đời, có thể người Việt sẽ có thêm lựa chọn những mẫu xe vừa túi tiền.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Skoda Auto với TC Motor. (Ảnh: Skoda)

Bên cạnh Chery, một cái tên khác cũng đang được quan tâm là Skoda - thương hiệu ô tô đến từ Cộng hòa Séc. Không giống như hai cái tên kể trên, quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam của Skoda đã được hiện thức hóa bằng thỏa thuận hợp tác kinh doanh chiến lược Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor), diễn ra vào 7/10 vừa qua.

Đặc biệt, Skoda lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đặt nhà máy lắp ráp và kỳ vọng sẽ cùng đối tác TC Motor hướng tới mục tiêu xuất khẩu xe ra các thị trường khác trong khu vực. Skoda cũng là tên tuổi lớn của làng xe châu Âu khi được ví giống như Toyota, có giá xe "mềm" hướng đến đối tượng khách hàng bình dân. Năm 2021, hãng đã bán được trên 1 triệu xe ra toàn cầu.

Lộ trình của Skoda khi gia nhập thị trường Việt Nam. (Ảnh: Skoda)

Những mẫu xe đầu tiên của Skoda gồm Karoq, Kodiaq, Octavia và Suberb dự kiến sẽ được bán tại Việt Nam vào cuối năm 2023 dưới dạng nhập khẩu và tiến tới lắp ráp hai mẫu xe cỡ B gồm Kushaq (CUV) và Slavia (Sedan) tại nhà máy ở Quảng Ninh vào cuối năm 2024. Đến năm 2026, những mẫu xe điện của Skoda cũng sẽ lần lượt được giới thiệu.

Việt Nam đang mở rộng cơ hội cho các hãng xe mới

Tính từ năm 1994 đến nay, có tổng cộng gần 30 thương hiệu xe du lịch đã xuất hiện tại Việt Nam, trong đó có 3 cái tên VinFast, KIA và Peugeot là thuần sản xuất và lắp ráp xe; 7 hãng xe vừa nhập khẩu và lắp ráp gồm: Ford, Honda, Toyota, Mitsubishi, Mazda, Hyundai, Mercedes-Benz. Còn lại khoảng 20 hãng xe chỉ kinh doanh ô tô nhập khẩu đơn thuần.

Đến nay, hầu hết các thương hiệu xe danh tiếng trên thế giới đều có sự hiện diện ở Việt Nam như Roll-Royce, Bentley, Lamborghini, McLarens, Ferrari, Aston Martin, Land Rover, Porsche... Mặc dù, doanh số bán xe của những thương hiệu này khá hạn chế nhưng vẫn đủ cho thấy Việt Nam đang là một thị trường rất năng động.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: "Dự báo thị trường ô tô Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mức tiêu thụ khoảng gần 900.000 xe và đến năm 2030 là trên 1,5 triệu xe, trong khi hiện tại thị trường mới chỉ tiêu thụ khoảng hơn 400.000 xe, nên miếng bánh thị phần ở đây là không hề nhỏ. Do đó, cánh cửa để tiến vào thị trường Việt Nam dành cho các hãng ô tô mới gia nhập vẫn còn đang mở rộng."

"Thay vì chỉ nhập khẩu và phân phối, việc lựa chọn một đối tác lớn có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô của Việt Nam để hợp tác lắp ráp xe được xem là chiến lược tốt nhất ở thời điểm hiện tại, giúp gia tăng tỉ lệ thành công cho bất kỳ thương hiệu ô tô nào khi muốn gia nhập thị trường Việt", ông Thắng nói thêm.

Trong khi đó, Bộ Công thương nhận định Việt Nam đang bước vào giai đoạn "ô tô hóa" bùng nổ một cách mạnh mẽ trong 5 năm đầu của thập kỷ 20 (thế kỷ 21). Khi GPD bình quân trên đầu người ở ngưỡng xấp xỉ gần 5.000 USD, tỉ lệ sở hữu ô tô tăng lên gần 50 xe/1000 dân.

Nếu như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đã là cứ địa vững chắc của xe Nhật, Việt Nam cũng đang dần trở thành cứ địa xe Hàn và cũng không loại trừ có thể sẽ trở thành điểm tập trung của các thương hiệu xe châu Âu.

Nhận định trên là có cơ sở nhờ các cam kết xóa bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa từ EU vào năm 2030, cũng như chính sách phát triển công nghiệp ô tô hiện tại đang được ưu ái, giúp phát triển doanh nghiệp phụ trợ lớn mạnh hơn, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngô Minh

Bạn có góc nhìn hoặc bình luận thế nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!