Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

Cụ thể, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) đánh giá chất lượng dịch vụ gần 6 triệu lượt xe buýt trong năm 2022. Ngành giao thông chấm điểm theo chất lượng dịch vụ từ 1 đến 5 sao cho từng lượt xe buýt.

Gần như tất cả các lượt xe buýt trên địa bàn Hà Nội được chấm điểm tối đa. Ảnh: Đình Hiếu

Theo đó, có hơn 5,9 triệu lượt xe buýt được chấm chất lượt dịch vụ 5 sao (chiếm tỷ lệ 99,91%), có 4.682 lượt xe được đánh giá 4 sao (chiếm tỷ lệ 0,1%), 134 lượt xe được chấm 3 sao (chiếm tỷ lệ 0,002%), chỉ có 2 lượt xe bị chấm điểm 2 sao và 300 lượt xe bị chấm 1 sao (chiếm tỷ lệ 0,005%).

Qua đánh giá 153 tuyến xe buýt, chấm điểm 38 tuyến đạt chất lượng 5 sao (chiếm 24,48%), 104 tuyến đạt chất lượng 4 sao (chiếm 67,3%), 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao (chiếm tỷ lệ 7,84%).

“Kết quả trên cho thấy số lượng tuyến xe buýt đạt 5 sao là rất cao”, Trung tâm QLGTCC Hà Nội đánh giá, đồng thời đề nghị các đơn vị nghiên cứu phương án điều chỉnh 47 luồng tuyến và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ xe buýt.

Trung tâm QLGTCC cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế xe buýt có niên hạn sử dụng 10 năm còn đang hoạt động ở 20 tuyến.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 153 tuyến xe buýt, trong đó Tổng công ty Vận tải Hà Nội vận hành hơn 80 tuyến buýt với gần 1.100 xe. 70 tuyến xe buýt còn lại do 10 doanh nghiệp khai thác.

Doanh nghiệp tự chấm điểm

Kết quả gần 100% lượt xe buýt trên địa bàn Hà Nội được chấm điểm 5 sao gây bất ngờ cho nhiều hành khách. Đặc biệt là hành khách di chuyển bằng các tuyến xe buýt đi các huyện ngoại thành.

Chị Phạm Thu Thủy thường xuyên đi tuyến buýt 91 (từ Bến xe Hà Đông về xã Hoàng Long, Phú Xuyên) cho biết, gần như tất cả xe buýt chạy tuyến này đều rất cũ. “Lái xe thường xuyên phóng nhanh, phanh gấp. Xe buýt chạy trên đường thì kêu như máy cày”, chị Thủy chia sẻ.

Thường xuyên đón xe buýt từ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đến Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) để đi làm, anh Nguyễn Đức Việt, giảng viên một trường cao đẳng cho rằng, chất lượng xe buýt được chấm gần 100% đạt 5 sao là quá cao.

“So với trước đây, chất lượng xe buýt cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng xe buýt chậm chuyến, đánh võng, chèn ép phương tiện trên đường còn khá phổ biến. Nhiều xe buýt cũng đã xuống cấp cần phải thay thế”, anh Việt chia sẻ.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Trung tâm QLGTCC cho biết, kết quả trên là do doanh nghiệp khai thác các tuyến xe buýt tự đánh giá trong giai đoạn thí điểm.

“Mình tự đánh giá mình thì bao giờ chẳng tốt. Tuy nhiên, sau đó Nhà nước sẽ hậu kiểm mới ra được kết quả chính xác”, đại diện Trung tâm QLGTCC chia sẻ.

Mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội được đánh giá dựa trên 10 tiêu chí như: Hệ số tuyến; mức độ tiếp cận xe buýt; khoảng cách bình quân giữa các điểm dừng đỗ; chất lượng điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại; chất lượng dịch vụ tuyến; tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng…

Với từng tuyến buýt, bộ tiêu chí cũng đưa ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể để đánh giá gồm: Chất lượng phương tiện vận hành, chất lượng lao động vận hành, hiệu quả khai thác tuyến và chất lượng dịch vụ lượt vận chuyển. 

Từng lượt vận chuyển cũng được đánh giá, xếp sao, tùy thuộc số điểm đạt được căn cứ theo chất lượng phương tiện vận hành của lượt xe, chất lượng lao động vận hành của lượt xe, chất lượng vận hành theo lộ trình.