LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết ghi lại những cảm nhận cá nhân của tác giả Vũ Cao Phan trong một lần đến nước Mỹ.
Tôi thích thời tiết Houston mùa này, ít nhất là trong những ngày ở lại. Có gì giông giống Hà Nội thu. Mưa rải chỗ này, nắng trám chỗ kia, thoắt đi thoắt đến. Dìu dịu khí trời buổi sớm để găn gắt nắng rám quả bòng xế chiều.
Vậy nên bách bộ khi mặt trời còn náu đâu đó không chỉ giúp khỏe chân khỏe cẳng mà còn là cái thú khó diễn đạt thành lời. Ngay buổi đầu tiên tôi chạm một người Việt. Gặp nơi xứ người, lại cùng trạc tuổi, chúng tôi liền trở thành đồng hành mỗi sớm.
Anh kể, mới điều trị ở bệnh viện về, đang giai đoạn hồi phục. Hỏi tốn bộn tiền lắm hả? Anh bảo mới qua đây với con gái, chưa có thẻ bảo hiểm chi cả, ngoài một cái thẻ vàng cho người nghèo. Mà thẻ này không được chấp nhận ở nơi anh điều trị, kết toán lên đến 32.000 Mỹ kim. Bệnh viện biết tình cảnh, tìm các cơ sở pháp lý để giúp anh trang trải cũng chỉ giảm được 40% số tiền trên. Lại thêm một lần may nữa: kết cục trường hợp của anh được một phái đoàn kiểm tra của nhà nước biết đến và họ cho miễn phí hoàn toàn.
Họ chu đáo thế thì mình phải “cám ơn” thế nào, tôi hỏi. Không, tuyệt đối cấm. Đã có quy định, quà tối đa là hai mươi đô, chủ yếu là hoa. Anh kể, rời bệnh viện về nhà chừng hai mươi hôm thì nhận được một văn bản từ bệnh viện, đề nghị cho ý kiến nhận xét cụ thể và thẳng thắn về quá trình điều trị. Tôi được biết, anh bảo, đã có bệnh nhân được bệnh viện cử người đến tận nhà tặng quà vì lời nhận xét họ cho là xác đáng và hữu ích.
Ở tây nam Houston có một cộng đồng đông đúc người Việt và bệnh viện ở đấy đã dành hẳn một tầng lầu rộng rãi riêng cho các bệnh nhân cộng đồng này, luôn cả ê kíp bác sĩ và nhân viên người Việt hoặc biết nói tiếng Việt, luôn cả đầu bếp nấu món ăn Việt. Không, đừng quen miệng đánh giá đấy là sự quan tâm của “chính quyền” kẻo chính quyền cười cho. Kinh tế thị trường quyết định cả đấy, có cầu có cung. Cái đáng khen là sự nhanh nhạy, tạo ngay sản phẩm tối ưu lợi cả đôi bên, một kiểu business rất Mỹ!
Tại Washington DC. Ảnh: Thu Hà |
***
Nghề nông ở đây được quan tâm hỗ trợ với nhiều chính sách ưu tiên. Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu được cung ứng giá rẻ. Xuất hiện loại sâu hại mới là lập tức có ngay lực lượng thú y đến tìm hiểu, khoanh vùng rồi tiêu trừ, hoàn toàn miễn phí không để nhà nông phải loay hoay.
Không ít người Việt đã thành công vang dội với nghề nông. Kể ra hai trường hợp.
Anh Đoàn, sang Texas thập kỷ 1980, phụ với một người bạn trồng cây kiểng. Bạn già yếu, nhượng lại anh phần vốn liếng của mình. Đoàn bắt tay mở rộng trang trại; làm ăn được, anh mua đất mở rộng thêm nữa. Rồi cây kiểng chỉ là phụ, rau trái mới là chính. Thoạt đầu cung cấp cho nhà hàng, rồi ký hợp đồng với các siêu thị. Rồi xuất qua cả Nevada và Florida.
Trang trại của Đoàn phát triển nhanh, năng động và rất được tiếng về kỹ thuật thu hái đảm bảo rau trái tươi ngon. Tiếng thơm lan truyền cả nước và Đoàn được đích thân người đồng hương Texas số 1, G. Bush, gửi thư khen khi ông đang ở cương vị Tổng thống.
Còn Nguyễn Ba, anh từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Mỹ khi cũng không còn trẻ. Vùng phụ cận Seattle bang Washington vốn nổi tiếng với những vườn dâu bạt ngàn, anh theo mọi người đến đây làm nghề hái dâu thuê cho một ông chủ Do Thái.
Một bữa ông chủ phát hiện trong nhóm của anh có kẻ bỏ đất vào thùng dâu hòng kiếm thêm trọng lượng, hái thêm tiền. Không chỉ một thùng và chắc cũng không chỉ một lần. Nổi đóa, chủ đuổi sạch đám làm công gian dối.
Anh cũng nổi đóa, không đu với cách làm ăn kiểu này, kiếm chỗ khác chơi. Bỏ hết vốn liếng, vay thêm bà con, bạn bè, anh mua đất lập riêng một trang trại nhỏ. Ba mở rộng trang trại lần lần, đến một ngày nó trở nên tít tắp. Thoắt ba mươi năm, trại dâu của Ba trở thành một trong ba thế lực nông nghiệp của vùng.
Cùng với hai thế lực kia – một Nga, một Do Thái, chính cái ông Do Thái đã từng đuổi anh – họ quyết định giá cả xuất khẩu mặt hàng dâu Mỹ với chất lượng cực tốt sang thị trường châu Âu. Được biết Ba vừa thành công trong việc thử nghiệm trồng lứa sâm Mỹ nổi tiếng đầu tiên, mở ra nhiều triển vọng kinh doanh.
Quang cảnh tại Baltimore. Ảnh: Thu Hà |
***
Xin kể chuyện này: Một công ty Mỹ quyết định mua lại một công ty Pháp ở Paris. Thương thảo mọi điều khoản xong, họ đồng ý ký tắt trong working lunch (bữa ăn trưa làm việc) ngay tại căng tin. Vào bàn, người Mỹ chợt thấy phía trước ba nhân viên Pháp đang vui vẻ với cá hồi và rượu vang. Bữa ăn vẫn diễn ra nhưng việc ký tá được hoãn lại. Hoãn lại có nghĩa không bao giờ nữa.
Việc dùng chất cồn trong công, tư sở ở Mỹ bị cấm hoàn toàn, cấm nghiêm ngặt. Đơn giản là: Buổi trưa chỉ có nửa tiếng nghỉ cho việc ẩm thực thì rượu vào nếu không xâm lấn giờ làm việc thì cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Ngay từ thuở còn trên ghế nhà trường, tôi đã đọc thấy, nghe thấy không biết bao lần câu “Lao động là vinh quang’’ nhưng thực chất cũng không hiểu lắm. Chỉ biết rằng nó rất “tư tưởng’’, rất “quan điểm giai cấp’’ vì sự tôn vinh lao động.
Qua bên này mới hay cái slogan ấy, “work is glory’’ không phải là của riêng ta. Vậy ở đây người ta quan niệm thế nào là vinh quang? Ở Bellingham, mua mấy thùng táo trong một khu vườn nổi tiếng rộng hàng chục hecta, tôi thật ngạc nhiên khi biết được người đeo tạp dề cùng chúng tôi bưng bê đến tận bãi xe là bà chủ, trong khi đâu có thiếu kẻ ăn người làm. Bà chủ bảo rằng chẳng bao giờ để ý đến chuyện ấy, nhưng lao động giúp cho tôi tồn tại, lao động đã cho tôi tất cả, và cười rất tươi.
Một nơi tôi trú lại ít ngày, đều đều thấy một người nhập cư to con gốc Mễ (Mexico) từ sáng sớm đến tối mịt sử dụng ống thổi thu gom rác trên các hè đường trong khu vực. Người Mễ nhập cư ngày càng nhiều trở thành vấn nạn với ông chủ lớn là chính phủ nhưng lại là cơ hội cho những ông chủ nhỏ, kể cả những ông chủ người Việt. Dòng nhập cư này thiếu kĩ năng nhưng vô địch về lao động phổ thông, có sức khỏe, chịu khổ, chịu khí hậu khắc nghiệt và chấp nhận công việc nặng nhọc.
Nhưng về sự cần cù vươn lên thì phải kể đến người Việt. Người Việt đến Mỹ có thể đếm thành bốn thế hệ: Những người đến trước 75, những người đến trong 75, những người ra đi bằng thuyền, và những người đến theo diện đoàn tụ. Người ta nhận ra những người đến Mỹ trong những điều kiện càng khó khăn càng thành đạt, nhìn theo diện rộng. Mọi thứ đều khác ở vùng đất lạ, họ phải đào tạo chuyển đổi nhưng hầu hết phải bắt đầu lại từ đầu khi chẳng còn trẻ nữa.
Những người Việt đến Texas có thể là một ví dụ về điều tôi muốn đề cập. Rất nhiều người Việt đến đây theo nghề thợ hàn, thợ tiện, những công việc vất vả, lam lũ, nhưng được hưởng lương theo sản phẩm, chỉ cần trước hết sự chăm chỉ chưa vội cần chứng chỉ, bằng cấp. Họ vào tập sự - gọi là helper – biết việc rồi thì sẵn sàng bỏ giờ nghỉ, thông tầm. Lao động nặng nhọc cho thu nhập cao đã đành, chính sách cũng giúp họ tiến lên con đường học vấn.
Người Việt chẳng những cần cù mà còn khéo tay, từ thân phận helper làm giỏi, có sản phẩm đẹp, họ được phép thi nâng bậc với lý thuyết tự tích lũy, học thêm ngoài giờ, và trở thành người có bằng cấp, chứng chỉ không cần qua đào tạo cơ bản. Rất nhiều người Việt ở đây có thu nhập cao, trở thành trung lưu với đời sống sung túc từ những công việc vất vả.
- Vũ Cao Phan