Đừng bao giờ quên, cái đẹp và sự tinh tế là động lực để thế giới phát triển lành mạnh.
Có những câu hỏi rất dễ trả lời vậy mà không ít người lại lúng túng, có người không tự trả lời được còn gửi thắc mắc của mình lên facebook tạo ra một cơn bão truyền thông?
Giá của cái đẹp đắt bao nhiêu?
Câu hỏi đó là: Tại sao một bát phở cùng chất lượng, ăn ở vỉa hè giá 30.000 đồng, ăn trong nhà hàng sang trọng giá đắt gấp mười?
Hoặc: Tôi có quyền hưởng thụ một giá trị tinh thần (sự tinh tế, sang trọng, đẹp đẽ) bên cạnh một giá trị vật chất (cân thịt, củ khoai) hay không trong một đời sống còn khoảng cách giàu nghèo?
Cháu ruột tôi tốt nghiệp cao học chuyên ngành khách sạn, nhà hàng ở London cách đây 02 năm. Thay vì ở lại đi làm thuê, lương hơn một ngàn bảng/tháng, cháu nghe tôi về nước làm quản lý cho một nhà hàng. Là con nhà nòi, lại học hành từ ngôi trường danh tiếng, giàu kinh nghiệm, ngay từ đầu cháu đã tỏ rõ có trình độ, làm việc có đầu óc hơn hẳn một số bạn cùng trang lứa.
Sau khi nghiên cứu thị trường, các phân khúc dịch vụ ăn uống, từ trung, cao cấp đến bình dân cháu đề nghị quyết định đầu tư nâng cao vào chuỗi nhà hàng của gia đình, với mục đích phục vụ người có tiền, có nhu cầu và đẳng cấp thưởng thức cao.
Cháu đề nghị phải đầu tư tổng thể, từ không gian phòng ăn, uống, đến bàn ghế, tranh treo tường, đèn nến, âm nhạc, thảm trải sàn… và các dịch vụ đi kèm hoàn hảo. Nếu là rượu mạnh thì phải có các đồ uống (nước suối loại đặc biệt) hay các ly chuyên dụng cho từng loại rượu đi kèm. Đồ ăn đều được lựa chọn từ các nhà cung cấp có thương hiệu, có đăng ký và chứng nhận kiểm dịch.
Nhân viên làm việc ở đây phải luôn hiểu những người đến nhà hàng không phải là những người thiếu chỗ ngồi, mà họ cần một không gian để thưởng thức ẩm thực hợp “gu”. Họ là những người lao động đặc thù có thu nhập cao, đồng tiền họ kiếm được rất chân chính. Họ coi trọng tính thẩm mỹ của một bữa ăn- uống, đương nhiên giá cả cũng được tính tương ứng.
Khác với một thời XH ta chỉ chú trọng đến ngon, bổ, rẻ. Ngày nay không ít người có thu nhập cao đã chú trọng đến vế thứ hai của hưởng thụ: Đẹp và sang. Một nhà hàng đủ tiêu chuẩn- có chiều sâu thẩm mỹ để thực khách luôn nhớ đến phải là một nhà hàng có kiến trúc đẹp, không gian nội ngoại thất đẹp và đội ngũ phục vụ phải có đẳng cấp nghề nghiệp.
Người bán rượu trong nhà hàng đó phải biết phân biệt hàng trăm loại rượu khác nhau, rượu whysky vùng than bùn Scotch khác với whysky của vùng khác, loại nào uống với đá, loại nào không v.v. Phục vụ rượu vang, rượu Sochu, sake… cũng vậy: Rượu nào ly đó. Ánh sáng nến, nhạc nền cũng như phong thái của người phục vụ tất cả phải đẹp và tạo ra một cảm giác hưởng thụ. Con người sẽ là con người nhất khi bản thân mình thấy có cảm giác sang trọng…
Lộ trình hội nhập…
Gần nửa năm, khách đã đến với nhà hàng đông hơn, nhưng vẫn chưa chấm dứt tình trạng kinh doanh thua lỗ. Nhưng từ thực tế kinh doanh, tôi nhận ra, người Việt không phải không hiểu được giá trị của thẩm mỹ, không thể không biết thế nào là sang trọng, là hưởng thụ có chiều sâu.
Đất nước chúng ta đang phát triển với tốc độ đáng kể, nhận thức xã hội và kỹ thuật của người Việt đang từng bước trưởng thành một cách ngoạn mục. Cứ nhìn các công trình kiến trúc tầm cỡ (cả về dáng dấp, chiều cao, chiều rộng, tiện ích, vật liệu, vẻ đẹp không gian) sẽ thấy chúng ta đang đi tới nấc thang cao hơn của cuộc sống văn minh.
Kể chuyện này người viết bài không cổ súy và cũng không có ý phân chia đẳng cấp giàu nghèo trong xã hội. Thực tế mà nói, những người làm chủ một cách chân chính tài sản kinh doanh như nhà hàng chúng tôi thì cường độ lao động cũng rất căng.
Chúng tôi hiểu, ở ta còn một bộ phận người dân có cuộc sống ở mức nghèo, chênh lệch xã hội còn khá lớn ( đó là việc khác, sẽ bàn ở phạm vi bài viết khác) nhưng không vì thế mà định kiến với cái giàu, ngược lại, cần biết chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp hơn.
Trong hiện tại XH vẫn luôn có một bộ phận người lao động ở khu vực nền kinh tế trí thức có thu nhập cao. “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” cũng là một lẽ công bằng. Hưởng thụ cũng là động lực của phát triển. Câu hỏi lao động (làm ra của cải vật chất) khác nhau mà hưởng thụ không khác nhau thì giàu để làm gì, phải được đặt ra một cách nghiêm túc.
Xã hội có một nền tảng vững chắc là một xã hội trong đó mọi tầng lớp đều có được chỗ của chính mình, phù hợp với khả năng tài chính, nhu cầu hưởng thụ và “gu” thẩm mỹ của bản thân. Con người sẽ thấy hạnh phúc khi có được những thứ mình muốn.
Giống như Bill Gate cha đẻ của máy tính bảng, M. Zuckeberg người tạo ra mạng xã hội faceboook hay Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, TGĐ Ngân hàng thế giới, các CEO của các tập đoàn lớn trong thế giới kinh doanh… những người thuộc tầng lớp “làm ra tiền” đều có thể đã từng cà phê đầu ghế, hay trà chanh vỉa hè vào những thời gian thích hợp, nhưng phải hiểu họ luôn đồng thời là những người có nhu cầu hưởng thụ tinh tế nhất. Họ hiểu hơn ai hết giá của cái đẹp là bao nhiêu và con người cần cái đẹp như thế nào.
Tiền nào, của ấy- bài viết này luôn có hàm ý với một dấu +. Cộng giá trị thẩm mỹ vào với ngon bổ rẻ để thành chất lượng sản phẩm bạn nhé. Đừng bao giờ quên, cái đẹp và sự tinh tế là động lực để thế giới phát triển lành mạnh./.
Trần Thị Trường