Là chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 1 vạn con ở Sơn La, đến thời điểm này, ông Bắc cảm thấy “quá mệt mỏi” khi giá lợn vừa tăng cao đã bình ổn, nay giá xuống thấp nông dân lỗ thì không thấy hỗ trợ gì.
Cách đây 3 ngày, đàn lợn gần 1.000 con của ông đến lứa xuất chuồng, giá khi đó giảm còn 60.000-62.000 đồng/kg. Nếu bán với mức này thì hòa vốn, song ông tiếc công tiếc của mấy tháng trời chăm bẵm vất vả, muốn chờ thêm vài ngày đợi giá lên, mong kiếm được chút tiền trả lãi ngân hàng.
Song ông không thể ngờ, càng chờ giá càng giảm. Thậm chí, mỗi ngày lại giảm 1-2 giá (giảm 1.000-2.000 đồng/kg). Chỉ trong 2-3 ngày, từ hòa vốn thành lỗ. Nay ông đành bán cho thương lái giá 57.000 đồng/kg, ngày mai họ bắt lợn. Bởi cố giữ, ông sợ giá giảm sâu hơn, khoản lỗ lại tăng lên.
Theo đại diện ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, hơn một tuần nay giá lợn hơi có xu hướng giảm mạnh. Hiện loại lợn ngon nhất tại chợ này cũng chỉ có giá 62.000 đồng/kg, loại lợn hai máu giá 55.000 đồng/kg.
Sức tiêu thụ giảm, mỗi ngày lượng lợn đổ về chợ chỉ trên dưới 1.000 con. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm, vị đại diện này cho hay.
Ghi nhận của PV một tuần trở lại đây, giá lợn hơi tại các địa phương có chung xu hướng giảm. Đáng chú ý, các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Bình Thuận,... giá lợn hơi ngày 18/9 giảm còn 58.000-59.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, ở chợ thịt lợn tiêu thụ chậm, kéo theo giá lợn hơi tại Đồng Nai giảm xuống mức 60.000-62.000 đồng/kg.
“Trước kia, lợn hơi xuất chuồng được giá 60.000 đồng/kg là mức mơ ước của người chăn nuôi. Nay thì lỗ nặng vì giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40%. Chi phí chăn nuôi đội lên quá cao”, ông nói.
Ông tính toán, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 17 lần liên tiếp. Các chi phí khác trong chăn nuôi cũng tăng phi mã đẩy giá thành sản xuất lên 60.000-62.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Đây là mức giá thành dựa trên những hộ chăn nuôi tự chủ được con giống, tỷ lệ hao hụt ít.
Với hộ phải mua con giống (1,4-1,6 triệu đồng/con lợn giống 8-10kg) và tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi cao thì mức giá bán như thời điểm hiện tại sẽ chịu lỗ nặng.
Song, nghịch lý là giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng vẫn rất cao. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dẫn chứng, một con lợn trọng lượng 1 tạ chỉ 6 triệu đồng. Sau khi giết mổ đưa ra chợ, người tiêu dùng phải mua thịt ba chỉ hay sườn lợn ở mức 150.000-160.000 đồng/kg. Bộ phận có giá rẻ nhất của con lợn là chân giò, giá cũng 60.000-65.000 đồng/kg. Lợi nhuận rơi nhiều vào tay các khâu trung gian.
Theo ông Đoán, các cơ quan chức năng nên giám sát giá thịt lợn trên thị trường để người chăn nuôi không phải chịu lỗ, bán lợn với giá rẻ và người tiêu dùng không phải mua mặt hàng này với giá đắt đỏ.
Cùng với đó, cần kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi. Thời gian gần đây, giá nguyên liệu trên thị trường thế giới đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức đỉnh lịch sử, chưa chịu giảm dù chỉ một lần.
Tương tự, khi giá xăng dầu tăng lên hơn 30.000 đồng/lít, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ồ ạt tăng cước vận chuyển hàng từ nhà máy sản xuất tới trang trại. Người chăn nuôi còng lưng gánh thêm khoản chi phí này. Nay giá xăng dầu đã giảm về mức thấp như hồi đầu năm, song giá cước vận chuyển lại giảm "nhỏ giọt” với rất nhiều nguyên nhân được đưa ra
“Cuối cùng, chỉ có người chăn nuôi là người chịu thiệt thòi nhất”, ông Đoán nhấn mạnh. Theo ông, nếu không có biến động lớn, giá lợn hơi rất khó bật tăng trở lại. Người chăn nuôi sẽ thu hẹp quy mô sản xuất do không có lợi nhuận.