Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nút giao Pháp Vân là nút giao cửa ngõ phía Nam của thành phố, kết nối giữa đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3. Vào các dịp nghỉ Lễ, Tết do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Để cải thiện tình hình này, ông Hải thông tin, trong những năm qua Sở đã tham mưu cho UBND TP nhiều giải pháp. Trong đó về đầu tư kết cấu hạ tầng, thành phố đầu tư đưa vào sử dụng dự án đường Vành đai 3 đi băng qua hồ Linh Đàm; xây dựng thêm các nhánh lên xuống đường Vành đai 3 trên cao tại khu vực Linh Đàm; đang triển khai thi công dự án nâng cấp, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận Hà Nội.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao Giải Phóng - Hoàng Liệt và đang thực hiện trên cầu Thanh Trì (dự kiến tháng 11 này hoàn thành) để giảm tải lưu lượng cho đường Vành đai 3 trên cao, tăng khả năng thông hành cho các phương tiện.
Ngoài ra, Sở tiếp tục tăng cường công tác duy tu, duy trì đảm bảo êm thuận cho các phương tiện lưu thông, tăng cường phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn phân luồng, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết. Điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý quanh khu vực Pháp Vân như nút giao Giải Phóng - Hoàng Liệt, các lối lên xuống đường Vành đai 3 trên cao với đường dưới thấp, nhằm giảm tải lưu lượng giao thông tại nút giao Pháp Vân - Vành đai 3.
Về lâu dài, TP Hà Nội đang nghiên cứu triển khai xây dựng nút đường Vành đai 3 với nút giao Pháp Vân - QL1, cũng như đường Vành đai 4.
Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1803 ngày 30/5/2022. Dự án dài 3,4km, điểm đầu giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km184+100), điểm cuối giao với đường Vành đai 3 (Km169+100); quy mô mặt làn đường rộng 60m. Tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.
Việc xây dựng tuyến đường kết nối như này sẽ mở ra hướng kết nối thứ hai, từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Vành đai 3, theo hướng đi cầu Thanh Trì, tránh nút giao giữa hai tuyến cao tốc tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội.
Từ đó, dòng xe ngoại tỉnh hoặc xe có nhu cầu đi tránh khu vực cửa ngõ Hà Nội từ cao tốc Pháp Vân có thể di chuyển thẳng đến đầu cầu Thanh Trì để ra QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Lưu lượng đổ về nút giao Pháp Vân hiện nay sẽ được điều tiết, giảm tải đáng kể góp phần giảm ùn tắc giao thông trong những ngày cao điểm.
Mở rộng cao tốc Pháp Vân, chờ làm đường Vành đai 4
Ngoài ra, Sở GTVT cũng nói rõ, tuyến đường Vành đai 4 đã được Chính phủ chỉ đạo sớm triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Đây là tuyến đường có tính chất kết nối liên vùng thuộc vùng Thủ đô và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các cao tốc, quốc lộ hướng tâm; góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, phát triển kinh tế xã hội cho vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Tuyến đường này được xác định là tuyến cao tốc vành đai, kết nối với tất cả 7 tuyến cao tốc hướng tâm trên địa bàn thành phố nói riêng và vùng Thủ đô nói chung, phân bổ giao thông cho các trục cao tốc hướng tâm theo các hướng.
Theo Sở GTVT, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 nhằm giải quyết cơ bản các vấn đề: Phân luồng giao thông từ xa theo các hướng không đi xuyên tâm để di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, cũng như từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực vùng Thủ đô.