Sáng 13/1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dù không đạt được như mục tiêu đề ra nhưng năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công gần gấp đôi năm 2022.
Cụ thể, năm 2023, số vốn thành phố được giao là trên 68.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 12/1/2024, thành phố đã giải ngân vốn đầu tư công được 45.866 tỷ đồng, chiếm 67%. So với kết quả giải ngân năm 2022 là 26.202 tỷ đồng thì giải ngân năm 2023 cao hơn 21.852 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả nêu trên, theo ông Mãi, các đơn vị đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, con số giải ngân vẫn chưa đạt kỳ vọng của thành phố.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, có rất nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công không đạt. Nhưng theo ông, hạn chế lớn nhất là sự phối hợp chưa đồng bộ của hệ thống.
Cụ thể, có nhiều dự án dự kiến sẽ triển khai thu hồi đất và giải phóng mặt bằng (GPMB) trong năm, nhưng không được đưa vào danh mục các dự án thu hồi đất để trình HĐND TP. “Việc này cho thấy, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan, địa phương chưa được đồng bộ”, ông Mãi lưu ý.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai, các đơn vị khi tính toán chi phí công tác bồi thường, GPMB không tính toán kỹ, dẫn đến chi phí thực tế thấp hơn so với chi phí phê duyệt, nên không giải ngân hết số vốn được giao. Số vốn không giải ngân được vì nguyên nhân này là 10.508 tỷ đồng.
Công tác bồi thường, GPMB chậm khiến tiến độ thi công của nhiều dự án công chậm. Lý do này khiến số vốn không giải ngân được là 700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hạn chế trong giải quyết các thủ tục hành chính, chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt các dự án. Một số đơn vị chủ đầu tư khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư vẫn còn sơ sài dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện thủ tục, thậm chí có trường hợp phải hủy bỏ, điều chỉnh…
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, công tác bố trí tái định cư, cân đối quỹ nhà đất còn hạn chế dẫn đến giải ngân chậm.
Cụ thể, quỹ nhà đất phục vụ tái định cư được bố trí rải rác, chưa thật sự hợp lý vì xa nơi thu hồi đất. Bên cạnh đó, có một số địa phương (như các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi) không có quỹ nhà đất phục vụ tái định cư.
Công tác giải quyết kiến nghị liên quan đến việc bố trí quỹ nhà đất phục vụ tái định cư còn chậm, dẫn đến các địa phương không thực hiện được việc trình duyệt, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất… làm chậm tiến độ giải ngân vốn bồi thường.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu hội nghị đánh giá đầy đủ các vướng mắc, khó khăn, các tồn tại của năm 2023 và bàn trọng tâm nhiệm vụ cho năm 2024.
Cụ thể, về thủ tục đầu tư, cần điều chỉnh và thay đổi để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Về các vướng mắc trong bồi thường, GPMB, quy hoạch… cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp để tháo gỡ trong năm 2024.
Ông Mãi đặc biệt lưu ý, cần mạnh tay xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém năng lực.
Bí thư TP.HCM tự nhận không hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên biểu dương các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, đồng thời, nghiêm khắc phê bình các đơn vị giải ngân thấp do chủ quan.
Ông Nên nhìn nhận, thành phố đã tốn khá nhiều công sức, nỗ lực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nên mang lại kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ông Nên cũng nêu rõ, trong công tác phối hợp của cả hệ thống vẫn tồn tại sự hạn chế. Vì vậy, ông lưu ý, công tác phối hợp cần phân công, giao việc rạch ròi, có thời gian, tiến độ cụ thể.
"Có những dự án đề nghị 5-6 tháng mới có kết quả thì không thể chấp nhận được. Đây là điều cần rút kinh nghiệm nghiêm túc trong năm 2024", ông Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhận định, năm 2024, những vấn đề sẽ tác động đến thành phố chưa có điểm gì tích cực, rõ ràng. Do đó, vốn đầu tư công là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của địa phương, giúp đẩy mạnh chi tiêu công, kích cầu nội địa.
Về phần mình, ông Nên tự nhận chưa hoàn thành nhiệm vụ khi dự án chống ngập của thành phố do ông giám sát không giải ngân được trong năm 2023.
Theo ông Nên, dù rất quyết tâm lựa chọn dự án giám sát và đẩy lên nhưng ông không thể hoàn thành vì vượt tầm, vượt thẩm quyền.
"Sự thật, tôi thoáng thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nếu tới đây, Ban Thường vụ Thành ủy sơ kết, rút kinh nghiệm, tôi sẽ nhận hình thức không hoàn thành”, Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ.