Hôm 6/2, trong một nhóm chuyên "bóc phốt" tình trạng huỷ hàng, một người tên B.N tố khách hàng ở Thanh Hoá đặt mua đôi giày bằng hình thức COD (nhận hàng mới chuyển tiền). Tuy nhiên, sau đó người mua không nhận hàng, lấy lý do chờ ship quá lâu và hàng đã cũ. Dù chưa biết đúng sai, trường hợp này người bán phải mất hai lần tiền chuyển hàng và nhận lại đơn.

Trường hợp nói trên của chị B.N chỉ mất tiền vận chuyển, trong khi một số câu chuyện trước đây như vụ "bùng" 3 hộp cơm gà giá 150 ngàn đồng ở Đà Nẵng khiến shipper phải mất tiền. Hoặc vụ đặt 20 ly trà sữa trị giá hơn 1 triệu đồng ở Vũng Tàu rồi không nhận hàng cũng khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Để giải quyết tình trạng nói trên, các nền tảng và trung gian thanh toán cho rằng cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tình trạng "bùng" hàng có thể gây thiệt hại cho shipper lẫn niềm tin của mua bán trên Internet. (Ảnh: Hải Đăng)

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho hay, nhóm khách hàng đã trả tiền trước bằng các hình thức thanh toán kỹ thuật số có tỷ lệ nhận hàng từ shipper cao hơn so với nhóm nhận hàng mới trả tiền (COD).

Điều này khá dễ hiểu vì tâm lý khách hàng trả tiền trước sẽ có lý do để nhận hàng, còn người chưa trả tiền hàng thì mức độ cam kết thấp hơn. 

Theo bà Lê Lan Chi - Tổng giám đốc ví điện tử ZaloPay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt góp phần lớn trong việc hạn chế tình trạng “bùng” đơn. Sắp tới, sẽ có thêm giải pháp nhằm tạo thêm động lực để chuyển đổi người dùng COD sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Song cả Grab và ZaloPay không chia sẻ giải pháp cụ thể vì tính năng đang được phát triển. Theo tìm hiểu của VietNamNet, có thể tính năng mới sẽ cho phép nền tảng giữ lại khoản thanh toán của một đơn hàng, chỉ khi khách nhận hàng thành công thì khoản tiền mới được chuyển cho bên bán.

Việc này giúp khách hàng an tâm hơn khi lựa chọn các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, không bị cảm giác bị ép trả tiền trước cho món hàng mình chưa được xem qua. Về phía người bán và shipper có thể thấy nguồn tiền đã được "giữ" sẵn, nên cũng yên tâm bán hàng và giao hàng.

Trên thực tế, thúc đẩy người dùng chuyển đổi sang hình thức thanh toán tiên tiến không dễ dàng. Trong khoảng vài tháng tích hợp ZaloPay vào Grab, bà Lê Lan Chi chia sẻ, số lượng người dùng sử dụng ví có tăng trưởng, nhưng chủ yếu là nhóm có sẵn ví điện tử. Việc thuyết phục nhóm người dùng mới tạo tài khoản ví sẽ khó khăn hơn.

Trả lời VietNamNet, Phó giám đốc điều hành của Grab cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà công ty tích hợp một ví thanh toán thứ 3 vào ứng dụng của họ. Do có tham vọng ở mảng tài chính, công ty kỳ lân này tự xây dựng ví điện tử riêng (GrabPay), hoặc liên kết với đối tác chiến lược (như Moca tại Việt Nam).

“Tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có sự hợp tác thêm với các đối tác”, bà Hạnh trả lời.