Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, tính trung bình có 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học .

Tại Nghệ An, trong 3 năm (từ 2021 đến hết tháng 6/2023), đã xảy ra 245 vụ bạo lực học đường, riêng trong 6 tháng đầu năm nay, xảy ra 56 vụ. 

Thạc sĩ Lê Thị Loan, nguyên giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục khẳng định, bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường được ra đời với kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường giáo dục văn minh hơn, hạn chế tối đa những vụ bạo lực học đường.

Thế nhưng, thực tế, mỗi năm vẫn có hơn 1.000 vụ bạo lực học đường, khiến chúng ta cần nhìn nhận lại cách triển khai và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường tại các trường học.

“Tôi cho rằng vai trò của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, là rất lớn trong việc hạn chế tối đa những vụ bạo lực học đường. Nhưng với nhiều tình huống sư phạm diễn ra bất ngờ, chính giáo viên lại không có kỹ năng, thậm chí loay hoay không biết xử lý thế nào, dẫn đến sự việc không được xử lý dứt điểm, tận gốc, học sinh chưa thấy tâm phục, khẩu phục, và hậu quả là việc đánh nhau vẫn tiếp diễn. Tại các cơ sở giáo dục đều đã xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại hoạt động không hiệu quả, chủ yếu đưa ra những lời tuyên truyền mang tính lý thuyết, không thực tế”, Thạc sĩ Lê Thị Loan cho hay.

Còn theo thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), thì ở mỗi cấp học, diễn biến tâm lý học trò sẽ khác nhau. Trong khi ở thời đại công nghệ 4.0, trên không gian mạng, hàng ngày các em đều tiếp xúc khá nhiều trào lưu không tích cực. Đôi khi chỉ là câu chuyện trang phục, phong cách âm nhạc cũng xuất hiện khác biệt giữa các học sinh.

Thực trạng đó đòi hỏi nhà trường phải có chương trình giáo dục nếp sống học trò mang tính tổng thể nhằm giáo dục kỹ năng và có những biện pháp phòng chống bạo lực học đường, xây dựng tình bạn tốt đẹp giữa các học sinh. 

Học sinh trong một lớp không chỉ là khác biệt về vị trí dân cư, hoàn cảnh gia đình, tố chất học trò, mà còn khác biệt về quan điểm sống, tâm lý lứa tuổi. Khi ấy, nhà trường phải xây dựng chuyên đề cũng như cách thức tác động góp phần xây dựng tình bạn đẹp và trong sáng. 

“Trước vấn nạn bạo lực học đường, phải khẳng định rằng vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất lớn, vì thế, bản thân thầy cô chủ nhiệm phải không ngừng học tập, rèn luyện xử lý tình huống sư phạm với học sinh. Ngoài xử lý bằng kinh nghiệm, cô giáo cũng cần trao đổi với ban giám hiệu nhà trường về những vấn đề tồn tại để tìm cách xử lý triệt để. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt được tâm lý học sinh, nắm được học sinh đó có hoàn cảnh gia đình ra sao, thậm chí sở thích thế nào. Trong quá trình tiếp nhận lớp phải bám lớp, tạo cơ hội để học sinh được nói lên suy nghĩ của mình, thể hiện quan điểm của mình”, thầy Cường cho hay. 

Nhà trường cần có những chuỗi hoạt động theo tháng, chủ đề sinh hoạt lớp, theo tuần, để hướng học sinh phát triển từ nhận thức đến hành vi đúng, hành vi đẹp. 

Nếu học sinh có băn khoăn hay gặp vấn đề cần giải đáp thì phải giải quyết ngay, giải quyết dứt điểm. Giáo viên chủ nhiệm là phải vừa đóng vai là người thầy, phải vừa là bạn để học sinh bày tỏ và sẵn sàng tâm sự với mình hay qua phòng tham vấn tâm lý học đường, qua hộp thư đường dây nóng của trường. Có những vấn đề nhỏ từ học sinh nhưng nếu không được quan tâm, ngọn lửa âm ỉ sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và nguy cơ xảy ra những câu chuyện đau lòng. 

Khi phát hiện vấn đề, giáo viên có thể trò chuyện với học sinh, hướng các em tới những điều tích cực. Với những tình huống một mình giáo viên không xử lý được thì nhiều bên gồm nhà trường, gia đình và chính học sinh phải ngồi lại với nhau cùng tìm cách giải quyết. Nguyên tắc hàng đầu là giáo viên thấy có vấn đề thì phải xử lý ngay.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng này lưu ý, việc sử dụng “vệ tinh” trong lớp cũng có vai trò lớn, giúp giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình, vì thực tế nhiều vụ việc học sinh hẹn đánh nhau nhưng đã ngăn chặn được vì cán bộ lớp kịp thời báo với cô giáo cùng với cha mẹ, nhà trường. 

Các bậc phụ huynh cũng phải đồng hành cùng con, phối hợp cùng nhà trường trong công tác giáo dục, đảm bảo đứa trẻ được bảo vệ an toàn, không có hiện tượng bắt nạt. 

Khi phát hiện vấn đề, bố mẹ cần tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu, diễn biến thế nào, hướng dẫn con kỹ năng ứng xử với người xung quanh, kỹ năng ứng biến, và đặc biệt là dù thế nào cũng không được nghĩ đến những điều tiêu cực. 

Bố mẹ phải trao đổi cô chủ nhiệm, kết nối với nhà trường vì có những tình huống không đơn giản, nhà trường cần có những chương trình tác động đến nhóm học sinh theo từng độ tuổi. 

“Tôi nhắc lại là dù là tình huống nào thì đứa trẻ bị bạo hành cũng cần phải được bảo vệ, phải giải quyết càng sớm càng tốt. Nhà trường cần có những chuỗi hoạt động theo tháng, chủ đề sinh hoạt lớp theo tuần để hướng học sinh từ nhận thức đến hành vi đúng, hành vi đẹp. Hiện nay, nhiều trường trung học phổ thông đã thiết kế chuỗi hoạt động trong năm, hình thành nhiều câu lạc bộ giúp gắn kết học sinh, phát triển kỹ năng, giúp học sinh hiểu, trân trọng giá trị cuộc sống, yêu thương, giúp đỡ nhau, tự tôn trường lớp của mình và nỗ lực biến những khát vọng thành hiện thực”, thầy Cường nói.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV