Buổi sáng một ngày bình thường tại một cửa hàng quần áo nhỏ nằm trên phố Lò Đúc (Hà Nội), chị Hạnh - chủ cửa hàng vừa đóng gói xong một đơn hàng online nhận được qua một nền tảng thương mại điện tử. Đây đã là đơn hàng thứ 12 trong ngày dù mới chỉ hơn 10 giờ sáng.

Bán hàng online đã lâu, thế nhưng người phụ nữ này không hề biết rằng, phía sau những cú click chuột của khách hàng, một kho dữ liệu khổng lồ đang âm thầm vận hành phía dưới. 

Mỗi lần khách hàng tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm, hoặc quyết định mua hàng, dữ liệu về hành vi tiêu dùng đều được nền tảng ghi lại, phân tích và tổng hợp. Nhờ đó, sàn thương mại điện tử có thể đề xuất những sản phẩm phù hợp, giúp những người như chị tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mà không tốn quá nhiều chi phí quảng cáo.

Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ về cách dữ liệu đang cách mạng hóa phương thức kinh doanh và mở ra những cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế.

IMG_7822.jpeg
Ông Hiếu Nguyễn, Giám đốc quốc gia NetApp tại Việt Nam. Ảnh: NetApp

Dữ liệu là gam màu nổi bật trong bức tranh kinh tế số

Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, dữ liệu đã trở thành một tài sản quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Ông Hiếu Nguyễn, Giám đốc quốc gia NetApp tại Việt Nam, nhận định: "Dù công nghệ phát triển theo chiều hướng nào, cái lõi của vấn đề là dữ liệu luôn phình ra, không bao giờ bé đi".

Sự bùng nổ của dữ liệu đang diễn ra ở mọi cấp độ, từ cá nhân đến doanh nghiệp. Nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu ngày càng tăng, đòi hỏi những hệ thống có khả năng đáp ứng quy mô lớn. Ông Hiếu chia sẻ: "Với một doanh nghiệp có cả trăm, nghìn người, thậm chí hàng trăm nghìn người, để có cơ sở dữ liệu phục vụ đủ, đòi hỏi cả hệ thống vô cùng lớn".

Trên thực tế, tại Việt Nam, nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh đang ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp đang tích cực đưa CNTT vào ứng dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. 

Theo ông Hiếu: "Doanh nghiệp nào cũng cần một hệ thống dữ liệu, data center. Với những ngành quan trọng như ngân hàng, viễn thông, vai trò của CNTT rất lớn".

Xu hướng chuyển đổi số đang lan tỏa rộng rãi, thậm chí đến cả những doanh nghiệp trước đây ít ứng dụng CNTT. Số hóa dữ liệu giúp việc truy cập và sử dụng thông tin trở nên thuận tiện hơn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. 

"Bất kỳ ngành nào giờ đây cũng liên quan đến dữ liệu. Sự phát triển chung của xã hội đi lên cùng sự phát triển của công nghệ. Hai yếu tố đó quan hệ khá mật thiết với nhau, gần như là thành phần không thể thiếu", ông Hiếu nhận định.

Đầu tư cho chuyển đổi số và dữ liệu: Phải biết mình muốn gì

Mặc dù nhận thức về tầm quan trọng của dữ liệu và chuyển đổi số đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn đang gặp khó khăn khi bắt đầu hành trình này. Để giải quyết bài toán của từng doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu của chính mình.

"Họ phải hiểu rõ mình cần gì, có một người tư vấn về việc công nghệ sẽ hỗ trợ ra sao trong công việc hàng ngày của họ, cần áp dụng công nghệ thế nào", ông Hiếu chia sẻ. Người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần phải có tầm nhìn để nhận ra những lợi ích của chuyển đổi số, không chỉ dừng lại ở việc tính toán doanh số hay lợi nhuận trực tiếp.

Để đầu tư hiệu quả, các doanh nghiệp cần có sự tư vấn chuyên nghiệp. Giám đốc quốc gia NetApp Việt Nam nhấn mạnh vai trò của "người phiên dịch" - những chuyên gia vừa hiểu về công nghệ, vừa nắm bắt được nghiệp vụ của doanh nghiệp. 

"Chỉ tự thân doanh nghiệp mới hiểu các vấn đề nghiệp vụ của mình. Các doanh nghiệp cần người “phiên dịch” để những đơn vị cung cấp giải pháp hiểu họ cần gì", ông Hiếu giải thích.

Đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số, thay vì đầu tư phát triển đội ngũ CNTT, các doanh nghiệp có thể đi thuê, ví dụ về mặt hạ tầng dữ liệu. Điều này sẽ giúp cho họ hiểu mình cần gì, phải bỏ ra bao nhiêu để có được.

Khi xây dựng hạ tầng dữ liệu, doanh nghiệp Việt cần chú ý đến 6 tiêu chí quan trọng: Hạ tầng phải đơn giản và dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí, an toàn, có khả năng mở rộng, đủ thông minh để hiểu nhu cầu người dùng, và bền vững, yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng. 

Tương lai tươi sáng của thị trường dịch vụ dữ liệu

Với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu, thị trường dịch vụ dữ liệu đang đứng trước những cơ hội phát triển to lớn. Ông Hiếu Nguyễn cho rằng: "AI sẽ xuất hiện hầu như trong tất cả các ứng dụng hàng ngày. Dữ liệu và xử lý là hai phần không thể thiếu".

Sự phát triển của AI đòi hỏi lượng dữ liệu đầu vào ngày càng lớn để đảm bảo độ chính xác của kết quả đầu ra. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về hạ tầng lưu trữ và xử lý dữ liệu. "Bài toán về AI càng lớn thì dữ liệu đầu vào càng lớn. Xây dựng dữ liệu đầu vào càng lớn thì kết quả đầu ra sẽ càng sát với yêu cầu".

Với xu hướng này, các công ty cung cấp giải pháp lưu trữ và dữ liệu như NetApp đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Hiếu ví von: “Nước lên thì thuyền lên thôi” bởi tiềm năng phát triển của lĩnh vực này là không giới hạn, phụ thuộc vào trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của con người.

Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng và đầu tư cho hạ tầng dữ liệu. Tuy nhiên các doanh nghiệp trước hết cần phải hiểu chính họ, biết mình đang làm gì, mong muốn gì?

Giám đốc quốc gia NetApp tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu trong hệ sinh thái công nghệ: "Dữ liệu là trái tim của doanh nghiệp, hệ thống. Dữ liệu giống như điều kiện cần, còn điều kiện đủ là những thứ khác". 

Với nhận định này, có thể thấy đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ dữ liệu sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong tương lai gần. Những khoản đầu tư này sẽ mở ra triển vọng tươi sáng cho thị trường dịch vụ dữ liệu tại Việt Nam và khai phá tiềm năng tăng trưởng mới cho tất cả các doanh nghiệp. 

Phương Dung