15.000 lá thư tay gửi khách hàng
Một ngày của Vũ Việt Đức không chỉ bắt đầu bằng việc kiểm tra tình trạng đơn hàng được đặt trên các sàn thương mại điện tử. Đức và cộng sự còn suy nghĩ nội dung thư viết tay đính kèm sản phẩm trước khi gửi tới khách hàng.
Ngày 28/3/2020, thương hiệu cà phê, do Vũ Việt Đức đồng sáng lập, chính thức có mặt trên sàn thương mại điện tử. Hiện sản phẩm có mặt ở 3 sàn Shopee, Tiki và Lazada. Tính từ khi mở gian hàng online, Đức và cộng sự đã bán hơn 15.000 đơn hàng, tương đương hơn 15.000 thư tay, được gửi tới tận tay khách. Để viết toàn bộ những lá thư cho từng đơn hàng như vậy cần nhiều thời gian và công sức.
Những lá thư viết tay được gửi tới khách hàng của Vũ Việt Đức |
“Chưa tính các chiến dịch bán hàng khác thì một tháng có khoảng 3.000 thư. Đây là số lượng không hề nhỏ và tôi cần tới 10 người viết, bao gồm cả nhân sự trong nhóm sáng lập và nhân sự thuê ngoài”, Đức nói.
Việc gửi những lá thư tay tới khách đặt hàng qua nền tảng số cho thấy sự kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng luôn cần duy trì, dù hoạt động thương mại có ở dạng thức nào.
“Nhiều người hỏi tôi, viết những tấm thiệp như vậy có quá tốn công sức không? Tôi chỉ muốn nói, chúng ta đang trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải chung sống với đại dịch và lan tỏa thông điệp tích cực là điều đáng làm. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ kết nối được với khách hàng ở điểm chạm cảm xúc thông qua thông điệp của những bức thư”, đại diện thương hiệu cà phê chia sẻ.
Không còn lựa chọn nào khác
Dù thương hiệu cà phê mới xuất hiện trên thị trường năm 2016, nhưng Đức và các cộng sự sớm nhận thấy chuyển đổi số là điều bắt buộc. Theo Việt Đức, chuyển đổi số tạo cơ hội lớn, các doanh nghiệp nhỏ có lợi thế linh hoạt, dễ thay đổi, được sai và sửa sai nhanh.
Trước thời điểm dịch bùng phát (năm 2020) trở về trước, thương hiệu cà phê này thuần túy là doanh nghiệp “B2B” (Business-to-Business) tức là mô hình tập trung bán hàng trực tiếp, sản xuất phân phối đến các quán, chuỗi quán cà phê. Kênh bán hàng chủ yếu qua bộ phận sale chào hàng trực tiếp.
Mặt hàng thực phẩm được bán mạnh qua kênh trực tuyến |
Khi dịch bùng phát, doanh nghiệp phải chuyển hướng, lấn sân vào bán lẻ trực tiếp qua sàn thương mại điện tử, vô tình chuyển đổi mô hình từ B2B sang B2B2C (Business-to-Business-Customer), tức là mô hình kinh doanh gồm 3 chủ thể: doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đối tác phân phối sản phẩm và người dùng cuối.
Mô hình này loại bỏ sự hạn chế trong việc bán hàng qua các nhà phân phối và bán lẻ trung gian. Điều đó giúp hoạt động bán hàng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, thông qua nền tảng giao dịch như sàn thương mại điện tử hoặc kênh phân phối logistics.
“Nếu dịch Covid-19 không ập đến thì doanh nghiệp chắc chưa có khái niệm về chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi không còn lựa chọn nào khác buộc doanh nghiệp phải làm một cách nghiêm túc. Sau 1 năm chuyển đổi, thương hiệu đang có các sản phẩm lọt top bán chạy nhất ngành cà phê rang xay trên sàn thương mại điện tử. Tôi thấy, trong nguy có cơ”, ông chủ 9x quan điểm.
Xu thế trực tuyến không chỉ được các doanh nghiệp nhỏ lưu tâm. Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, kênh bán hàng thông qua website của hệ thống thời gian qua đã ghi nhận số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh.
Theo thống kê, trung bình có khoảng 5.000-7.000 đơn hàng online/ngày. Tuy nhiên, từ đợt giãn cách đầu tháng 6, con số bắt đầu tăng lên 12.000 -15.000 đơn/ngày chỉ tính riêng tại TP.HCM. Do đó, hệ thống này đang phải tập trung để tăng cả lượng hàng hóa lẫn nhân lực phục vụ việc mua hàng trên nền tảng số của khách. Dự kiến, hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng online đến 20.000 đơn/ngày.
CEO Nguyễn Hoàng Lê |
‘Chuyển đổi số: Sáng tạo, hiệu quả
Đề cập về vấn đề trên, TS. Nguyễn Hoàng Bảo - Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng, các kênh thương mại truyền thống đang dần bị thay thế. Tuy nhiên, việc các chủ thể kinh doanh đổ xô vào kênh trực tuyến sẽ dẫn đến tính cạnh tranh cao.
Do đó, doanh nghiệp cần có sự đầu tư tỉ mỉ. Thay vì tập trung vào số lượng hoạt động, chú trọng hơn chất lượng hoạt động, hướng tới một “doanh nghiệp tử tế” để nâng cao năng lực cạnh tranh khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới.
TS Bảo nhận định, chuyển đổi số, thay đổi công nghệ, tự động hóa và số hóa hoạt động trở thành điều kiện tối thiểu của doanh nghiệp để chung sống cùng đại dịch và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Cùng với việc chuyển đổi này, nhà nước cần có những hỗ trợ thích hợp, chẳng hạn như đơn giản hóa và chuẩn hóa thủ tục hành chính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Lê, Founder & CEO của Công ty TNHH Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr.SME, chia sẻ, tư duy kinh doanh số sẽ dẫn dắt chuyển đổi số. Chuyển đổi số bắt nguồn từ phục vụ khách hàng tốt hơn, rẻ hơn, sáng tạo hơn; vì vậy kinh doanh là yếu tố dẫn dắt để từ đó công ty chọn lựa công cụ, công nghệ, nền tảng số, giải bài toán do kinh doanh đặt ra.
Chuyển đổi số hiện tại là yếu tố quan trọng để phân loại doanh nghiệp tăng trưởng với doanh nghiệp suy thoái, doanh nghiệp bền vững với doanh nghiệp sống mòn, doanh nghiệp có dịch vụ khách hàng tuyệt vời với doanh nghiệp có dịch vụ tồi, doanh nghiệp có chi phí tối thiểu với doanh nghiệp có chi phí cao do lãng phí.
Triển khai giải pháp chuyển đổi số giống như một dự án xây dựng cần một đơn vị tư vấn, từ chọn nhà thầu giải pháp, giám sát và đánh giá. Đây là cách làm chuyên nghiệp, giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần mạnh mẽ kiến tạo sản phẩm dịch vụ số trên nền tảng số và mô hình số của mình hoặc cộng hưởng với các nền tảng khác.
“Nhu cầu bán hàng online, thay đổi trong chuỗi cung ứng, cách tiếp cận khách hàng khác xưa, tất cả sẽ phải dựa vào nền tảng số. Chuyển đổi số hay diệt vong trong 5-10 năm tới, đó là mệnh lệnh cho mọi doanh nghiệp Việt Nam”, CEO Nguyễn Hoàng Lê nhấn mạnh.
Quảng Định
Quyết định khó khăn nhất của tổng giám đốc 78 tuổi và 'bà ngoại' U60
Sinh năm 1943, đang làm Tổng giám đốc của một doanh nghiệp, chuyển đổi số có lẽ là quyết định khó khăn nhất với ông.