Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Bộ này vừa điều chỉnh giảm thời gian thu phí 92 năm 3 tháng của 13 dự án BOT, cùng đó điều chỉnh tăng thời gian thu phí 24 năm 5 tháng của 4 dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất là công trình đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa với thời gian giảm thu phí lên tới 20 năm 1 tháng. Công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) là dự án giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm 1 tháng xuống 12 năm 9 tháng).

Đại diện Bộ GTVT cho biết, việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án so với hợp đồng BOT chủ yếu do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe.

{keywords}

Cho đến thời điểm này đã có 21 dự án BOT được điều chỉnh giảm thời gian thu phí

“Quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định 112/2009 của Chính phủ, tổng mức đầu tư xây dựng công trình là chi phí dự tính của dự án, làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn thực hiện đầu tư công trình. Trong bước lập dự án đầu tư không thể tính chính xác chi phí thực tế sẽ đầu tư.

Bên cạnh đó, Thông tư 04/2010 ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng còn cho phép xây dựng tổng mức đầu tư trên cơ sở ước tính từ suất đầu tư trung bình 1km đường nhân với chiều dài tuyến”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, khi đàm phán ký kết hợp đồng BOT với các nhà đầu tư, theo quy định, Bộ GTVT sử dụng tổng mức đầu tư để tạm thời xác định thời gian thu phí” – đại diện Bộ GTVT giải thích.

Bộ GTVT khẳng định, sau khi quyết toán công trình, Bộ GTVT sẽ cập nhật các thông số và tính toán lại thời gian thu phí để ký kết với nhà đầu tư làm cơ sở thu phí sau này. Việc tổng mức đầu tư giảm sau quyết toán, cùng với việc cập nhật lại lưu lượng dòng xe thực tế, các thông số tài chính có liên quan,... sẽ làm thay đổi thời gian thu phí so với dự tính trước đây.

Được biết, thời gian qua Bộ GTVT đã rà soát các dự án BOT theo đúng các trình tự thủ tục quy định của pháp luật và hợp đồng BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, sau đó lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí.

“Trong quá trình vận hành, khai thác công trình, tùy thuộc hợp đồng dự án, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT cho đến hết vòng đời dự án. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường” - đại diện Bộ GTVT cho biết thêm.

​Như vậy, tính đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.

Ngoài ra, sau điều chỉnh hợp đồng thỏa thuận quyết toán, có 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm 5 tháng. Nguyên nhân là do 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Đây là rủi ro mà các nhà đầu tư cần cân nhắc đánh giá trước khi ký kết hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

(Theo Dân trí)