Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 đang được Bộ LĐTBXH trình Chính phủ theo hướng thời gian đóng BHXH tăng nhưng lương hưu lại giảm khiến nhiều người bức xúc. Nếu được thông qua, nghị định sẽ được áp dụng từ 1.1.2016.
Chịu thiệt để bù thâm hụt
Thời gian đóng BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH sửa đổi năm 2014 tăng 5 năm so với Luật BHXH năm 2012. Thay vì thời gian đóng tối thiểu là 15 năm như trước, giờ đây người lao động (NLĐ) phải đóng ít nhất 20 năm mới được hưởng lương hưu. Thay vì cách tính 10 năm cuối, lương hưu đối với những NLĐ tham gia từ 1.1.2015 sẽ được tính bình quân của cả quá trình đóng.
Nhân viên bưu điện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) đang phát lương hưu cho cán bộ hưu trí ở xã Hoằng Xuyên, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. |
Lao động Nguyễn Thị Nga (Công ty Dược Phú Lợi, Hà Nội) cho hay: “Nghe bảo Luật BHXH năm 2014 ưu việt, nhưng không biết ưu việt ở chỗ nào. Chỉ biết chúng tôi phải đóng BHXH dài hơn, mức đóng cũng cao hơn mà sau này về hưu lương hưu lại thấp hơn”.
Nhìn nhận một cách khách quan, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng: “Đây là bài toán của người làm chính sách để đối phó với bài toán thâm hụt quỹ và phòng tránh tình trạng già hóa dân số quá nhanh của Việt Nam”.
Bà Hương phân tích, trước đây mức đóng thấp mà hưởng cao nên quỹ lương hưu không kham nổi. Sự thay đổi này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ. Về lâu dài, lương hưu sẽ tăng do mức đóng tăng. Theo Luật BHXH sửa đổi, mức đóng sẽ dựa trên việc đóng tổng thu nhập thay vì đóng BHXH dựa trên lương tối thiểu như hiện nay.
Đã cân nhắc rất kỹ về cách tính
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, dự thảo nghị định quy định một số điều liên quan tới lương hưu theo Luật BHXH năm 2014 đã được Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng xem xét ký. Dự kiến sang tháng 12 mới có kết quả. Nếu được thông qua, nghị định sẽ được áp dụng từ 1.1.2016.
Trao đổi về những thắc mắc của NLĐ liên quan tới vấn đề NLĐ bị mất sức lao động từ 61% trở lên về hưu sớm sẽ bị giảm trừ 2% lương hưu thay vì 1% như trước đây, ông Huân nói: “Hiện nay Luật BHXH đã quy định như vậy, nghị định không thể làm trái luật. Điều này nhằm hướng tới để NLĐ đóng đủ, về hưu đúng tuổi chứ không khuyến khích NLĐ về hưu trước tuổi”.
Bình luận về cách tính lương hưu mới theo luật BHXH năm 2014 và dự thảo nghị định, ông Huân cho biết, hiện nay, chính sách của chúng ta đang quy định là hưởng nhiều hơn đóng, chính vì vậy không có sự ổn định lâu dài về quỹ lương hưu. Vì vậy chúng ta phải điều chỉnh lại về mặt chính sách. Về mức đóng chúng ta không thể tăng tỷ lệ được, bởi hiện nay tỷ lệ đã rất cao (tuy một số doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng trên nền tiền lương tối thiểu, vì vậy phải tăng dần tỷ lệ đóng). Về mức hưởng chúng ta chỉ dám điều chỉnh từng bước chứ không điều chỉnh mạnh, tránh “vỡ quỹ”.
“Khó khăn nhất của chúng ta trong chi trả BHXH hiện nay là xung quanh lương hưu của NLĐ. Từ năm 2009 khi xây dựng Luật BHXH chúng tôi đã rất đau đầu để tính toán làm sao NLĐ không thiệt mà quỹ vẫn “cõng” được” – ông Huân nói.
Mô hình của ta đang áp dụng là mô hình Ngân hàng Thế giới và các nước gọi là xác định mức hưởng trước. Hiện nay tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, số người thụ hưởng tăng và thời gian hưởng lương hưu kéo dài hơn nên sẽ dẫn đến có tình trạng mất cân đối giữa đóng và hưởng.
Theo ông Huân, hiện tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa đối với NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của nước ta ở mức 75% là thuộc loại cao nhất thế giới. Lương hưu các nước chỉ xấp xỉ 50%. Nhưng con số tuyệt đối của họ cao hơn do lương thực tế đóng bảo hiểm hưu trí cao và có thêm nhiều phúc lợi xã hội khác cho người hưu trí. Việc điều chỉnh cách đóng BHXH sắp tới cũng là một giải pháp để tăng tiền lương hưu trí.
(Theo Dân Việt)