Gia đình anh Võ Văn Tứ ở ấp 8C là một trong những hộ nghèo nhất xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Không nghề nghiệp, không đất sản xuất nên cuộc sống khó khăn cứ mãi đeo bám. Để hỗ trợ gia đình anh Tứ có điều kiện vươn lên, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, phù hợp. Cuối năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ cặp bò giống, nhờ đó đã tạo việc làm, niềm tin để anh quyết tâm thoát nghèo.
Lộc Hòa là địa bàn biên giới, cũng là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Lộc Ninh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Gần một nửa dân số ở xã là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã Lộc Hòa đã triển khai đồng bộ, đa dạng nhiều biện pháp như: tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; cho vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo; các chương trình văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế... Nhờ thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, hiện nay toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo, chiếm 0,1% tổng số hộ dân toàn xã.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm trong công tác giảm nghèo mà các địa phương tại Bình Phước đang nỗ lực thực hiện. Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước, huyện biên giới Lộc Ninh đã triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo của tỉnh.
Thông tin từ UBND huyện Lộc Ninh, trên cơ sở rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đa chiều, đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có 230/32.800 hộ nghèo, chiếm 0,7% tổng số hộ dân, trong đó có 139 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 60,43%; tổng số hộ cận nghèo; 333 hộ, chiếm 1,02%/tổng số hộ dân.
Nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm tỉ lệ hộ nghèo năm 2023, UBND huyện Lộc Ninh đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.
Theo đó, trong năm nay, Lộc Ninh phấn đấu giảm ít nhất 191 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 0,7% xuống còn 0,12% vào cuối năm. Phấn đấu hết năm 2023, các xã Lộc Hiệp, Lộc Thạnh, Lộc Thiện, Lộc Thịnh và Lộc Thái không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Với chuẩn nghèo theo cách tiếp cận đa chiều như hiện nay, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ngày càng khó khăn, thực chất. Thời gian qua hàng loạt chính sách giảm nghèo đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh, nhằm giúp người nghèo có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ thì ý thức vươn lên mới là động lực để người nghèo thoát khỏi khó khăn. Vì vậy, bên cạnh chính sách của Nhà nước, huyện Lộc Ninh chú trọng thông tin, truyền thông, khuyến khích, khơi dậy ý chí vươn lên, thúc đẩy các hộ nghèo phải thực sự quyết tâm, nỗ lực thoát nghèo.
Cùng với tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, các tổ chức hội, đoàn cũng chủ động định hướng về cây, con giống, chuyển giao khoa học-kỹ thuật người dân từng bước thoát nghèo bền vững. Đến nay, Ngân hàng chính sách chi nhánh huyện Lộc Ninh đã cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay 45 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện Lộc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh kế; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế...
Đến nay, các tiêu chí về giảm nghèo trên địa bàn huyện Lộc Ninh cơ bản đã hoàn thành. Qua đó góp phần quan trọng trong cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Lộc Ninh, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi.