Toàn tỉnh Yên Bái còn tới hơn 20.222 hộ nghèo
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái hiện vẫn còn tới 20.222 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,16%; 8.658 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,92% dân số. Nếu xét theo phân bố, TP Yên Bái có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất với 0,36%; trong khi huyện Trạm Tấu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất lên tới 49,42% dân số.
Cụ thể, Thành phố Yên Bái còn 111 hộ nghèo (tỷ lệ 0,36%), 156 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,5%); Huyện Yên Bình còn 1.396 hộ hộ nghèo (tỷ lệ 4,52%), 920 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,98%); Huyện Trấn Yên còn 416 hộ nghèo (tỷ lệ 1,75%), 566 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,38%); Huyện Văn Yên còn 2.489 hộ nghèo (tỷ lệ 6,93%), 1.167 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,25%); Huyện Lục Yên còn 2.205 hộ nghèo (tỷ lệ 7,6%), 1.955 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,74%);
Huyện Văn Chấn còn 3.499 hộ nghèo (tỷ lệ 11,27%), 1.573 hộ cận nghèo là 1.573 hộ (tỷ lệ 5,07%); Thị xã Nghĩa Lộ: số hộ nghèo là 1.397 hộ (tỷ lệ 7,51%), số hộ cận nghèo là 749 hộ (tỷ lệ 4,03%); Huyện Trạm Tấu: số hộ nghèo là 3.543 hộ (tỷ lệ 49,42%), số hộ cận nghèo là 436 hộ (tỷ lệ 6,08%); Huyện Mù Cang Chải: số hộ nghèo là 5.166 hộ (tỷ lệ 38,45%), số hộ cận nghèo là 1.136 hộ (tỷ lệ 8,46%).
Trong những năm qua, dù địa phương đã có rất nhiều nỗ lực thực hiện đồng thời cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ họ nghèo của Yên Bái vẫn còn rất cao và đứng trong nhóm các địa phương khó khăn nhất cả nước.
Trong thời gian tới, bên cạnh các nguồn lực và hỗ trợ của Trung ương trong công tác giảm nghèo thì truyền thông chính sách cũng được Yên Bái tăng cường đẩy mạnh. Bởi khi người dân được tiếp cận thông tin chính sách, tiếp cận được khoa học công nghệ và các phương thức sản xuất mới thì khi được vay vốn hay hỗ trợ (đất, cây giống…) họ mới có kiến thức để triển khai, mới có thể tự thân thoát nghèo được.
Truyền thông chính sách cần đi trước một bước
Theo Bí thư Tỉnh Ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đây cũng sẽ là căn cứ phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Nói thêm về các chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn cần đề xuất với Trung ương, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết: “Cũng như các địa phương khác, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, nhất là pháp luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, lâm nghiệp...
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính. Ví dụ, Quyết định chủ trương đầu tư các khu công nghiệp; chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng... Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng Trung du và miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, trong đó có tỉnh Yên Bái”.
Hai là Trung ương sớm ban hành đầy đủ cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/09/2021 của Bộ Chính trị. Ba là Chính phủ quan tâm điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Được biết, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh. Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, người dân sẽ không thực sự hạnh phúc nếu còn nghèo đói. Do đó, để đưa chính sách giảm nghèo vào cuộc sống, để giảm được tỉ lệ hộ nghèo của địa phương thì vai trò của truyền thông chính sách cần đi trước một bước.
Nam Phương