Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 vào sáng 21/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát lại nhiều kết quả nổi bật. 

Quốc hội không phải dàn hàng ngang đi địa phương giám sát

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận HĐND các tỉnh, thành thực hiện tốt hoạt động giám sát; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề; triển khai phối hợp công tác giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Năm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội huy động sự vào cuộc của hầu như tất cả HĐND, đoàn ĐBQH các tỉnh thành trong tổ chức thực hiện 4 chuyên đề giám sát tối cao. Từ đó tạo thành hệ thống dữ liệu trên cơ sở thực tiễn của địa phương. Điều đó vừa bám sát thực tiễn, vừa đỡ cho công tác giám sát trực tiếp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cho hay, mặc dù phạm vi giám sát rộng nhưng Thường vụ Quốc hội quyết định mỗi chuyên đề giám sát không quá 5 địa phương. “Chúng ta có nguồn thông tin dữ liệu với sự tham gia tích cực của địa phương chứ không nhất thiết phải dàn hàng ngang đi địa phương, bộ ngành giám sát như trước nữa”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, ông ghi nhận, HĐND các tỉnh, thành chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri và tổ chức các kỳ họp; thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của HĐND, việc giải quyết các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch theo Nghị quyết 30 của Quốc hội…

“Nghị quyết 30 đã giao cho Chính phủ, Thủ tướng những quyền hạn đặc thù, đặc cách và đặc biệt. Ở địa phương thì giao cho Thường trực HĐND có những quyết sách kịp thời để ứng phó dịch khi HĐND không họp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

“Nhìn chung trong năm 2021, HĐND tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt, cam go của đại dịch Covid-19, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng mọi điều kiện, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao năm 2021 và tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, giai đoạn 2021-2026”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số hạn chế như: Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp.

Đáng chú ý là còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nghị quyết 30 của Quốc hội về mua sắm công, nhất là mua thuốc, test kit vật tư, trang thiết bị y tế. Bên cạnh những địa phương làm tốt thì một số địa phương không mua sắm được.

“Luật Đấu thầu đã quy định, Chính phủ quy định cụ thể nhưng có địa phương không mua được, một số mua có sai phạm, qua điều tra của cơ quan chức năng chứ vai trò giám sát của HĐND còn hạn chế”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải rà soát, rút kinh nghiệm cụ thể. Cơ quan dân cử giám sát thường xuyên, phải suy nghĩ điều này.

Chủ động từ sớm từ xa

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND…

Cùng với đó xây dựng chính quyền (công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ); quyết định các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực và giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành.

{keywords}
Các đại biểu dự hội nghị

Nhấn mạnh kinh nghiệm của Quốc hội và HĐND một số tỉnh, thành, Chủ tịch Quốc hội lấy yêu cầu HĐND các tỉnh, thành chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố.

“Nhiệm kỳ này Bộ Chính trị ban hành kết luận 19 về phương hướng công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội cả nhiệm kỳ. Nhiều HĐND đang trăn trở việc này. Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã và đang rà soát để ban hành chương trình cho cả 5 năm. Việc này phải tham mưu, phối hợp UBND trình với cấp ủy địa phương quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền, chủ động từ sớm từ xa, rà lại từng năm 1 làm gì, cái gì cần thiết, cấp bách thì tổ chức họp thêm, những kỳ họp không thường xuyên để giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những nghị quyết quy định về mô hình chính quyền đã làm tốt và nhanh, nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các tỉnh thành triển khai còn chậm.

“Cái này khó và nhạy cảm, động chạm đến nhiều người. Tôi có 1 năm 2 tháng làm Bí thư Hà Nội thấy rõ điều này. Báo cáo là toàn thấy trình chi. Còn việc quản lý nguồn lực như Quốc hội cho một số chính sách đặc thù để quản lý nguồn lực như thuế, phí thì ít tập trung nghiên cứu để làm. Có cơ chế đặc thù nhưng không triển khai được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

“Gói 350.000 tỷ Trung ương phải hướng dẫn và địa phương phải tổ chức thực hiện. Ngoài phân bổ chung của trung ương ra thì nhiều địa phương cũng đang trăn trở nghiên cứu, quy định thêm về cơ chế chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc lựa chọn các vấn đề chất vấn cũng như trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND phải trúng và đúng, lựa chọn những vấn đề nóng, có tính thời sự, liên quan đến cuộc sống, bức xúc của người dân và cử tri. Sau chất vấn phải tăng cường giám sát để hiệu lực và hiệu quả của vấn đề chất vấn phải được người dân và cử tri cảm nhận được những chuyển biến căn bản.   

Thu Hằng

22 nhân sự Chủ tịch HĐND là Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy

22 nhân sự Chủ tịch HĐND là Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy

Trong 63 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh có 22 nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy; 3 Ủy viên Trung ương dự khuyết.