Nếu không làm đúng chuẩn, thích gian lận, doanh nghiệp xuất khẩu Việt sẽ tự chặn con đường đưa nông sản sang Trung Quốc.

Tuỳ tiện mạo danh “hộ chiếu” để xuất khẩu

Trung Quốc mấy năm gần đây không còn là thị trường dễ tính. Quốc gia láng giếng bắt đầu nâng tiêu chuẩn, siết chặt các quy định với hàng hoá nhập khẩu. Con đường xuất khẩu tiểu ngạch dần bị bít lại. Nông sản muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhãn mác, bao bì, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Việc cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất phát từ yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Quy định này được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu áp dụng từ năm 2019. Theo đó, trước khi các lô hàng quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, với mỗi loại nông sản, cơ quan chức năng của Việt Nam phải mất thời gian khá dài đàm phán mới nhận được cái gật đầu từ phía Trung Quốc. Ví như quả sầu riêng, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), quá trình đàm phán kéo dài tới 4 năm, Trung Quốc mới cấp “visa” cho sầu Việt Nam vào thị trường của họ.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, Hải quan Trung Quốc mới chỉ phê duyệt 51 vườn trồng và 25 cơ sở đóng gói đáp ứng điều kiện, còn lại bị từ chối.

Một số vùng xoài ở Đồng Tháp từng bị Trung Quốc "cấm cửa" vì mạo danh mã số vùng trồng (ảnh: Dân trí)

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, người dân các vùng trồng sầu riêng ở nước ta đang háo hức vì loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuần sau, lô hàng đầu tiên sẽ lên đường sang thị trường này.

Thế nhưng thời gian qua, cơ quan kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật) đã ghi nhận 18 xe container sầu riêng tập kết ở Lạng Sơn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Các lô sầu riêng này ghi rõ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ở tỉnh Tiền Giang - vừa được phía Trung Quốc phê duyệt. Doanh nghiệp được ủy quyền xuất khẩu có địa chỉ tại Lạng Sơn và Tiền Giang.

Song khi kiểm tra và xác minh, đơn vị sở hữu mã số vùng trồng khẳng định không ủy quyền sử dụng mã số để làm thủ tục xuất khẩu. Ở những vườn này, sầu riêng còn chưa ra trái hoặc trái vẫn còn non.

Đáng nói, tình trạng nhập nhèm mã số vùng trồng không phải mới xảy ra. Thời điểm giữa tháng 8 năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật thông báo phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói liên quan đến 220 lô xoài để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý. 

Quá trình điều tra, tỉnh Đồng Tháp phát hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để tiến hành xuất khẩu.

Mã số vùng trồng được coi là “hộ chiếu” để xuất khẩu vào các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 3/2022, Bộ NN-PTNT phải ra Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. 

Nguyên nhân bởi tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn còn tồn tại khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu.

Đừng tự chặn đường xuất khẩu 

Liên quan đến mạo danh mã số vùng trồng, tại hội nghị xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc vừa mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cũng cảnh báo vấn đề này.  Theo bà, mở cửa được thị trường Trung Quốc đã khó, nhưng giữ được thị trường này còn khó hơn. Khi bị phát biện mạo danh mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc có thể đóng cửa. 

Cơ quan chức năng cảnh báo, gian lận mã số vùng trồng sẽ có nguy cơ mất thị trường Trung Quốc (ảnh: Tâm An)

“Nếu để xảy ra tình trạng này, việc đàm phán mở cửa trở lại sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần so với đàm phán mở cửa lần đầu tiên”, bà Hương nhấn mạnh.

Do đó, bà lưu ý, chỉ một người gian lận mã số có thể ảnh hưởng tới toàn ngành sầu riêng của cả nước. Đồng thời, làm mất uy tín của trái sầu riêng Việt Nam và quan trọng hơn là mất thị trường. Bà yêu cầu phải kiểm soát chặt mã số vùng trồng, kiểm soát chặt vấn đề ủy quyền này.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, một lần bất tín, vạn lần bất tin. Bộ NN-PTNT chuẩn hoá giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân. Người nông dân và doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng, chỉ một người làm sai thôi sẽ ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Không chỉ xảy ra với hàng xuất khẩu, ông Hoan cho biết, trong chuyến công tác Hòa Bình, ông cảm thấy buồn khi nghe câu chuyện cam Vinh tăng giá, bà con sẵn sàng lên Cao Phong mua cam về trộn vào cam Vinh để bán kiếm lời. Như vậy là mất uy tín. Ông yêu cầu tổ chức ngành hàng sầu riêng cũng như các nông sản khác nói chung cần chuẩn ngay từ đầu để giữ thị trường, giữ hình ảnh và uy tín của hàng Việt.

Một chuyên gia trong ngành chỉ ra rõ, không chỉ với thị trường Trung Quốc mà bất kỳ thị trường nào, thậm chí cả thị trường nội địa, nếu người nông dân và doanh nghiệp vẫn cứ nhập nhèm, gian lận vấn đề nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thì sớm muộn cũng đánh mất thị trường.

Đây là nông dân, doanh nghiệp tự chặn con đường đi của mình, tự làm khó chính mình. Không thể đổ tại thị trường khó tính”, vị chuyên gia cảnh báo. Do đó, cần phải trung thực hơn, làm đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cơ quan chức năng ở các địa phương cũng cần giám sát chặt việc cấp và uỷ quyền mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh leo và mới đây nhất là sầu riêng.

Tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 967,5 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, nhưng từ 56% thì nay chỉ còn 44,1% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta.