Không phải là một người chuyên viết nhưng Lê Hoài Việt viết tốt, câu từ trau chuốt, giàu tình cảm. Do vậy, ai đọc văn anh cũng thích.

Mới đây, Lê Hoài Việt cho ra mắt cuốn sách đầu tay - Ở bên này thương nhớ (NXB Phụ nữ Việt Nam), thu hút được sự quan tâm của độc giả cũng như đồng nghiệp - là quý thầy cô Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Mở TP.HCM.

Nói về hành trình viết sách của mình, ThS Quản trị kinh doanh Lê Hoài Việt chia sẻ:

Anh có thể chia sẻ niềm đam mê viết lách của anh bắt đầu từ khi nào? Anh đã nuôi dưỡng nó ra sao?

- Câu hỏi này làm tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Đó là khi tôi chỉ là một cậu học sinh cấp 1 gầy gò, ốm yếu, cong lưng đạp xe tận 5, 10 cây số từ nhà tới nhà sách để đọc ké. Rồi tôi bắt đầu viết những bài viết nhỏ, bài thơ nhỏ gởi cho báo Thiếu Niên Tiền Phong và được chọn đăng, được nhận nhuận bút. Lần đầu trải nghiệm cảm giác ấy hạnh phúc lắm.

{keywords}
Giảng viên Lê Hoài Việt.

Có lẽ đó là những viên gạch đầu đời xây dựng nên tình yêu viết lách của tôi.

Bản thân tôi nghĩ rằng, mỗi người đến với thế giới này sẽ có cho riêng mình một phương cách để sẻ chia, để trải lòng. Nhạc sĩ dùng ca từ, dùng những nốt đồ rê mi pha son la để tự tình.

Họa sĩ thì chơi với lọ màu, cây cọ để vẽ nên những bức tranh sâu. Còn tôi, tôi chẳng có gì cả ngoài con chữ, để kể bạn nghe những vụn vỡ đã từng, những chặng đường đã qua, những điều sắp trải thành và những góc nhìn của tôi giữa ti tỉ thứ xảy đến thường nhật.

Cứ thế, càng chơi với con chữ, tình yêu và đam mê viết lách trong tôi càng lớn dần lên theo năm tháng, bởi nó không chỉ cho tôi được khắc ghi lại từng khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc đời, mà thông qua viết lách, tôi càng cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ và dũng cảm để đối diện với những nỗi khổ, niềm đau, những cơn buồn, những thử thách trong đời.

Viết một cuốn sách với một giảng viên về kinh tế có khó không, nhất là khi đó là một cuốn tản văn về tình yêu?

- Có vẻ trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, những người học, làm kinh tế, hay dạy kinh tế, có phần thiên về tính toán, lý trí, và rất thực tế.

Còn bản thân tôi, nếu được tự nhận xét, tôi nghĩ mình là một người có sự cân bằng. Nghĩa là tôi vừa có sự “tỉnh” và “lạnh” của một người làm việc với các bài nghiên cứu khoa học, với các danh mục đầu tư, với phương án kinh doanh…; vừa có sự uyển chuyển, mềm mỏng cần thiết của một người yêu nghệ thuật, thích âm nhạc và mê viết lách.

{keywords}
Lê Hoài Việt cũng là tác giả sách.

Tôi cũng không đắn đo qua nhiều, tôi cứ trải lòng, chịu khó viết ra những điều mình trải nghiệm, chiêm nghiệm và cuối cùng quyển sách đầu tay của tôi có tên Ở bên này thương nhớ đã ra đời.

Lê Hoài Việt đã từng trải qua tình yêu nào đẹp nhất khiến anh nhớ mãi đến bây giờ?

- Mỗi khi bắt đầu một tình yêu, tôi đều muốn đó là một tình cảm chân thành, đi cùng nhau đủ dài và đủ sâu.

Cho nên, tình nào rồi cũng nhớ thương cả. Tôi trân quý tất cả những ai đã đến, ở lại và kể cả đã rời đi trong đời.

Tôi vẫn luôn có một góc trong tim dành cho những nhân hình ấy. Chỉ là tôi xin gói lại, giữ sâu ở một góc nhỏ và thôi không mở ra nữa.

Cho nên, để mà đặt lên bàn cân xem đâu mới là mối tình nhiều tâm tư, tôi nghĩ cũng hơi khó khăn. Mà chúng ta thì không nên làm khó nhau, phải không?

{keywords}
Với tâm hồn lắng sâu, Lê Hoài Việt đã cân bằng giữa công việc và tình yêu viết lách.

Nhà thơ Hồ Dzếch nói, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, anh có nghĩ như vậy không?

- Có lẽ, với đại đa số mọi người, một tình yêu đẹp, một mùa yêu trọn vẹn phải là một tình yêu có kết cục viên mãn, có tay nắm, vai kề, có hai con người mắt cười, môi rung lên vì hạnh phúc.

Cho nên, “tuyên ngôn” về tình yêu đầy “cắc cớ” của Hồ Dzếnh dường như đã đi ngược lại hoàn toàn với lối suy nghĩ bình thường của chúng ta.

Tuy nhiên, ngẫm lại thì thấy, cách nhìn nhận này lại chẳng sai. Bởi, nghiêng mình xuống, nghiêng lòng xuống, để cảm nhận rằng có những nỗi buồn thật đẹp, có những dang dở mà mình cứ đau đáu hoài.

Có đôi lần trong đời, sự dừng lại ở một mối quan hệ lại là cách dạy ta lớn, chỉ ta khôn, để những thương yêu sau này trưởng thành và ăm ắp, để hình ảnh của người trong ta cứ mãi đẹp đẽ như thuở ban đầu trước khi nó hoen màu vì thời gian, vì lý trí.

Cái ta mất sau một sự dang dở, chia ly là một cuộc tình, còn cái ta có được lại là cả một cuộc đời.

Cho nên, dẫu dù tình đẹp hay tình dang dở chia xa, chỉ mong tất cả chúng ta đều vững chãi để đi tiếp hành trình mình, đủ dựng xây một tường thành vững chắc, để có nhớ về ngày cũ người xưa cũng nhớ về những mến thương đẹp đẽ trong nhau, thay vì những trách móc, sân hận. Làm được vậy, tự khắc, thương nào cũng là thương đẹp, tình nào cũng là tình thơ!

Trong cuốn sách mới ra mắt cuối năm 2021 vừa rồi, tôi thấy không chỉ anh viết về tình yêu mà cả tình cảm gia đình, đời sống Sài Gòn, những câu chuyện tử tế yêu thương mà anh gặp đây đó. Theo anh, gia đình là yếu tố quan trọng ra sao trong việc làm động lực cho con người vượt qua sóng gió để thành công?

- Ngoài kia có thể là mây mưa vần vũ; ngoài kia có thể là những vụn vỡ thương tổn; ngoài kia có thể có muôn hình vạn trạng những chông gai, thử thách; ngoài kia chúng ta có thể là một người sếp thành công quyền lực, hét ra lửa; hay một người nhân viên cần mẫn nhạt nhoà, về đến nhà, về với gia đình, tự khắc chúng ta đều sẽ là nguời con thơ dại của cha mẹ, người bố ngọt ngào, người mẹ dịu hiền của các con, người anh, người chị lo lắng hết mực cho các em. Và rồi, tự khắc cũng sẽ bình yên.

Có cơ hội đi và trải nghiệm qua nhiều quốc gia, thoạt đầu là cảm giác hạnh phúc khi chinh phục một quốc gia mới, một châu lục mới, một nền văn hoá mới. Thế rồi, càng đi, tôi càng nhận ra rằng không đâu khác tuyệt vời hơn gia đình nhỏ của mình, không đâu an toàn hơn vòng tay của mẹ.

Được trở về, được ăn bữa cơm của mẹ, quây quần hàn huyên cùng cả nhà, chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn nữa. Những điều nho nhỏ như thế cho tôi thêm sức mạnh để mạnh mẽ, kiên gan chinh phục những cột mốc mới của cuộc đời.

Và tôi tin, ai cũng có một góc “an” trong lòng mình là gia đình như thế!

Với Lê Hoài Việt, sự tử tế trong các mối quan hệ mang lại giá trị gì cho anh cũng như cho cuộc sống?

- Tôi cho rằng những gì xuất phát từ trái tim, ắt hẳn sẽ chạm đến trái tim. Tử tế với người với đời, và tử tế trong từng lời ăn, tiếng nói, từng nếp suy, nếp nghĩ, tử tế trong cả việc viết sách và làm sách, tôi được nhiều hơn là mất.

Được lớn nhất là trong suốt hình trình tôi đi, yêu thương và giúp đỡ luôn là hành trang kề cận, từ cả những người thân người quen bao năm cũ cho tới những hình nhân vô tình nhân duyên trao gởi.

Và quan trọng hơn hết, khi làm điều tử tế, tôi không nghĩ tới việc tôi sẽ nhận lại những gì, mà cứ vô tư như một sự trao đi vô điều kiện, những đồng xu yêu thương mình bỏ vào heo đất, cứ bằng an và bước đi chẳng hề ngoái lại, chỉ cần biết ở đâu đó sau lưng mình, có ai đó đang mỉm cười, vậy là đủ. Chẳng phải khi làm một điều phải, chẳng phải lúc mê đắm, chính trái tim mình đang nở hoa đấy sao?

Mặt trời vẫn mọc đằng Đông, lũ sẻ vẫn líu lo mỗi sớm ngoài ban công, và cuộc đời thì vẫn còn đẹp lắm, cho nên cứ yêu thương thôi, và lan tỏa năng lượng tích cực này, để chú heo đất trên tay mỗi người cứ lớn hơn lên - mỗi ngày.

Có một điều rất cảm động khi nói về sự tử tế là chính anh cũng đang làm điều đó từ cuốn sách của mình: dành toàn bộ doanh thu từ sách để sẻ chia? Anh cho biết từ đâu thôi thúc anh quyết định làm sách để làm các hoạt động thiện nguyện?

- Trong quyển sách của tôi, hơn một lần mình nói về chuyện tử tế, về việc bỏ đồng xu yêu thương vào heo đất, để biết đâu đó sau lưng mình có ai đó đang mỉm cười.

Mà tôi cảm thấy tôi là một người hàm ơn cuộc đời, vào những thời khắc khó khăn nhất, vào những lúc mình chẳng biết phải làm sao cả, thì mình luôn nhận được sự trợ lực, cho nên mình nghĩ đã đến lúc để mình làm một điều gì đó, nho nhỏ thôi, để tri ân cuộc đời. Đó là lý do tôi viết, đầu tư quyển sách này, và quyết định dùng toàn bộ doanh thu có được từ việc bán sách cho việc thiện nguyện.

Không chỉ vì đây là quyển sách đầu tôi mới làm vậy, mà hành trình này sẽ kéo dài cho tất cả các quyển sách sau này. Và nó đồng thời cũng trở thành động lực để tôi tập trung viết hơn, và sớm có những đầu sách dưới cái tên tác giả Lê Hoài Việt ra đời.

Gần hơn, sắp tới anh có dự án nào ý nghĩa cho bản thân và cộng đồng không?

- Như có chia sẻ ở trên về việc sử dụng toàn bộ doanh thu bán sách Ở bên này thương nhớ để làm thiện nguyện. Tháng 7 này, tôi sẽ có chuyến đi đầu tiên, để trao các phần quà cho những gia đình khó khăn ở quê hương của tôi là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - vùng quê miền Trung nghèo vốn chịu nhiều thương tổn của thời tiết quanh năm khắc nghiệt.

Tiếp theo đó, tôi sẽ cố gắng ra mắt tập tản văn thứ hai có tên là Bên kia còn nhớ thương? như một sự tiếp nối của quyển Ở bên này thương nhớ. Hi vọng độc giả sẽ thấy được một Hoài Việt với góc nhìn trưởng thành hơn qua tập sách mới này.

Ngoài ra, rất có thể tôi sẽ thử sức ở một lĩnh vực mới, và biết đâu đó, tôi sẽ cho ra đời một tập thơ của riêng mình.

Cảm ơn anh và chúc anh mọi điều lành, có một tình yêu đẹp trong tương lai!

Lưu Đình Long (thực hiện)

Shipper vào tận cửa lớp, giảng viên thản nhiên chỉ chỗ ngồi của nữ sinh

Shipper vào tận cửa lớp, giảng viên thản nhiên chỉ chỗ ngồi của nữ sinh

Shipper của một ứng dụng giao đồ ăn ở Singapore đã khiến nhiều người “ngưỡng mộ” về độ "chuyên nghiệp" khi giao tận tay đồ uống cho khách hàng ngay cả khi cô đang ngồi giữa giảng đường.