- Gửi bài viết đến VietNamNet bạn đọc Khánh Ngọc nêu quan điểm, đã là giáo viên chủ nhiệm ai cũng ngán cái cảnh phải chịu trách nhiệm về các khoản thu đầu năm của học sinh. Một công việc mệt mỏi, phiền toái và đầy áp lực…
Đôi khi cũng phải hăm dọa
Để lớp thu đạt chỉ tiêu theo quy định của nhà trường đối với vùng nông thôn khó khăn không phải là dễ nên giáo viên luôn phải trổ tài thuyết phục, vận động phụ huynh đôi khi cũng phải giở cả “thủ đoạn” với những đứa học trò bé xíu như nạt nộ, hăm dọa sẽ đuổi học, không cho vào lớp hay nêu tên trước lớp đối với những học sinh lớn để phụ huynh đóng tiền cho các em đúng kì hạn. Một công việc mệt mỏi, phiền toái và đầy áp lực không ai muốn nhưng thầy cô vẫn cứ phải làm vào đầu mỗi năm học.
|
Ảnh minh họa |
Ở bậc tiểu học các khoản đóng đầu năm của học sinh thường dao động khoảng trên 700.000 đồng nhưng chủ yếu là tiền bảo hiểm đã chiếm hơn 600.000 đồng. Lên THCS và THPT ngoài số tiền bảo hiểm phải đóng còn tiền học phí, tiền ấn phẩm, nước uống, tiền vệ sinh…nên một em phải đóng khoảng hơn 1 triệu đồng. Đó là mức đóng bắt buộc, ngoài ra còn một khoản gọi là hội phí.
Vài năm trở lại đây, theo Thông tư 55 (Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh), hội phí của học sinh không bắt buộc phụ huynh phải đóng mà ủng hộ theo tinh thần tự nguyện. Nhiều trường sợ nếu triển khai theo tinh thần này sẽ có nhiều phụ huynh không đóng. Nên một số trường học đã họp hội phụ huynh học sinh lấy ý kiến và họ thường đưa ra mức thu thấp nhất, có trường đưa ra mức 100.000 đồng, trường đưa mức 200.000 đồng/ học sinh, phụ huynh nào có điều kiện thì có thể đóng nhiều hơn.
Danh sách học sinh đóng các khoản tiền luôn được kế toán cập nhật, hiệu trưởng kiểm tra để nắm bắt và nhắc nhở thầy cô chủ nhiệm những lớp chưa tham gia đóng góp đầy đủ.
Thu nhanh giáo viên được khen
Việc thu tiền nhanh hay chậm, đầy đủ hay còn thất thu đều được các trường đưa vào tiêu chí thi đua khen thưởng cho giáo viên cuối năm học. Ngay như tiền bảo hiểm chỉ là thu hộ công ty bảo hiểm nhưng giáo viên cũng phải cố vận động phụ huynh tham gia cho đầy đủ.
Những lớp đóng đủ được tuyên dương trên hội đồng, lớp đóng chưa đạt bị xem như giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt và thường xuyên bị nhắc nhở trong các cuộc họp hội đồng trường.
Thế rồi, hàng ngày lên lớp, thầy cô luôn đặt việc nhắc học sinh nộp tiền là công việc quan trọng đầu tiên thay vì dạy học thì giáo viên nào cũng phải dành mươi phút nêu tên những em chưa đóng tiền, dặn dò các em về nhà nói với cha mẹ đóng tiền sớm hoặc thầy cô gửi giấy, gọi điện thoại trực tiếp để liên hệ, thuyết phục phụ huynh.
Có giáo viên vì muốn lớp đạt chỉ tiêu sớm đã tự biến mình thành những “chủ nợ” luôn thúc ép, luôn đòi nợ mỗi ngày thậm chí đôi khi còn hăm dọa, to tiếng với những học sinh chưa đóng tiền.
Nắm được tâm lý học sinh nhỏ tuổi rất sợ giáo viên nên khi bị thầy cô nạt nộ, phần lớn các em không dám tới lớp khi chưa có tiền đóng. Chỉ khổ cho phụ huynh thấy con không chịu đi học và khóc lóc đành phải đi vay mượn cho bằng được số tiền để đến nộp cho thầy cô.
Còn với học sinh lớp lớn “cảm thấy thật quê và xấu hổ khi bị thầy cô nêu tên trước lớp”. Vì thế, một số em tự ý nghỉ học khi gia đình chưa kịp kiếm ra tiền để nộp cho con.
Đã có không ít phụ huynh vì bức xúc khi bị con thúc ép nên đã có những phản ứng gay gắt với thầy cô giáo của con mình. Họ đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đến giáo viên mà không nghĩ rằng chính các thầy cô giáo cũng chẳng sung sướng gì khi làm việc này. Có không ít giáo viên đành bỏ tiền túi đóng cho vài học sinh khó khăn lớp mình để cho đạt chỉ tiêu, đôi khi còn cho phụ huynh mượn tiền đóng trước nhưng cũng không phải ai cũng trả.
Cách nào giảm bớt áp lực?
Thu xong khoản tiền đầu năm tưởng như được trút xong gánh nặng, nhưng hàng tháng, giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học lại phải oằn mình thu thêm tiền phụ trội cho những học sinh học 2 buổi/ ngày là 40.000 đồng/ học sinh. Cứ nghĩ mức thu thấp nhưng để một tháng thu đủ 35 em trong lớp cũng không phải đơn giản chút nào.
Chưa hết, còn tiền đội phí, tiền bán tăm cho hội người mù, tiền bán viết cho hội khuyết tật, tiền ủng hộ bạn nghèo, ủng hộ người cao tuổi…Đủ thứ tiền đè nặng trên vai những cô cậu học trò nhỏ và trách nhiệm phải thu đủ cũng đè nặng trên vai mỗi thầy cô giáo. Thế là hàng ngày đến trường, ngày nào cũng phải nhắc, ngày nào lên lớp cũng thu tiền xong mới học vì thế công tác thu tiền cũng đã chiếm không ít thời gian giảng dạy của thầy cô.
Giáo viên chủ nhiệm ở các trường học, ngoài công việc giáo dục và giảng dạy học sinh còn phải ôm luôn việc vận động, đôn đốc thu các khoản tiền đặc biệt cả việc đốc thúc, thu hộ tiền bảo hiểm đã tồn tại nhiều năm qua gây nên sự áp lực không nhỏ cho thầy cô giáo. Nó đã lấy đi rất nhiều thời gian dạy học dành cho các em. Nó làm hình ảnh thầy cô giáo trở nên thực dụng, khó tính khi suốt ngày phải nói đến tiền.
Có cách nào giảm bớt áp lực được đây?
- Khánh Ngọc