Thời gian vừa qua, hàng loạt tài khoản Facebook có dấu tích xanh của nhiều ngôi sao, người nổi tiếng trên thế giới bị các hacker Việt Nam chiếm rồi sử dụng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng online như fanpage của hậu vệ nổi tiếng người Bosnia Branislav Ivanovic.

Hôm nay, tiếp tục là trang cá nhân của nữ diễn viên, nhà sản xuất kiêm nhà văn và tác giả người Mỹ Cherie Johnson cũng đã bị chiếm quyền để xả kho 100.000 đồng/3 bộ đồ ngủ.

{keywords}
Facebook Cherie Johnson bị chị bán hàng online người Việt chiếm quyền livestream bán đồ bộ.

Ngày nay, không khó để tìm được một hacker hoặc một nhóm hacker nhận chiếm quyền tài khoản Facebook chính chủ. Chỉ cần đặt lệnh tìm kiếm với cụm từ "hack Facebook giá rẻ", mạng xã hội sẽ cho ra hàng loạt kết quả, từ các hội nhóm công khai tới nhóm kín, thành viên từ vài chục tới vài nghìn người có thâm niên từ 2 - 3 năm, và tất cả đều tự quảng cáo làm việc rất "chuyên nghiệp".

Không ngại là hoạt động trái pháp luật, các hacker báo giá hiện ra như đọc trộm tin nhắn giá 40.000 - 50.000 đồng, chiếm Facebook giá 700.000 đồng đến 2 triệu đồng một cách công khai. Kèm đó là chi phí để tăng lượt yêu thích, bình luận trên Facebook với giá từ 200.000 đồng/tháng (với khoảng 15 bài đăng) dành cho các chị em bán hàng online, cần "chim mồi" vào "chốt" đơn đặt hàng "ảo".

{keywords}
Dịch vụ chiếm và lấy lại Facebook rao rầm rộ trên mạng xã hội.
{keywords}
Mức báo giá công khai.

Kim Ngân, chủ một cửa hàng kinh doanh ảnh cưới cho biết, Fanpage của cửa hàng với 6.000 bạn bè đã bị hacker chiếm quyền vào hồi tháng 6 vừa qua.

"Ngay khi mình bị mất quyền kiểm soát trang và tìm cách liên lạc với người đang sở hữu thì người này cho biết đã mua Facebook của mình từ 1 người khác với giá 5 triệu đồng. Người này nhắn họ sẵn sàng bán lại Facebook với giá thiện trí là 4,5 triệu đồng.

Ban đầu, mình cũng tưởng vậy, nhưng thực chất đây chính là hacker đã chiếm Facebook. Vì không muốn thỏa hiệp nên mình đã báo cáo lên Facebook về việc bị chiếm tài khoản. Tiếc là, tài khoản bị thay tên - đổi họ và không thể lấy lại", Kim Ngân chia sẻ.

Sau khi chiếm quyền kiểm soát tài khoản, đa phần hacker sẽ tìm đến nạn nhân bằng nhiều cách khác nhau.

"Có một nhóm sẽ chiếm tài khoản, còn một nhóm nhận lấy lại tài khoản. Thực chất, chúng chỉ là một nhóm", Kim Ngân kể lại.

Trên các nhóm bán tài khoản có tích xanh, càng tài khoản có đông lượt truy cập càng có giá cao, dao động từ 2-10 triệu đồng. Thay vì ra mặt trực tiếp nhận tiền giao dịch, haker thường nhận chuyển tiền thanh toán qua hình thức thẻ cào.

Quang Huy, một nhân viên IT tại Hà Nội cho biết, fanpage tích xanh được rao bán hầu hết là tài khoản "hot", nhưng không được sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, một số người không đảm bảo các bước bảo mật, hoặc để mật khẩu dễ dò tìm nên hacker dễ chiếm quyền.

"Một vài đường link lạ cũng có thể là cách hacker thu thập thông tin cá nhân hoặc truy cập vào Faceook. Càng hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, email hoặc giấy tờ tùy thân sẽ hạn chế được điều này", Quang Huy chia sẻ.

Không chỉ những nạn nhân bị hack Facebook bị hacker qua mặt, mà ngay cả những người tìm đến dịch vụ này để chiếm Facebook, xóa tài khoản của người khác hoặc đột nhập để đọc trộm tin nhắn, email của người khác cũng nếm không ít trái đắng.

Trên các hội nhóm, nhiều người cả tin chuyển tiền để thuê hack Facebook nhưng thực chất chuyển nhầm cho kẻ giả danh hacker.

"Ngoài việc nhờ vào sự hỗ trợ của Facebook thì chúng ta hoàn toàn có thể tự bảo vệ tài khoản cá nhân bằng cách gia tăng bảo mật số điện thoại, email, nhận cảnh báo về đăng nhập lạ.

Ngoài ra, người dùng nên thiết lập mật khẩu của mình có độ khó cao và đủ mạnh. Tránh đặt mật khẩu dễ nhớ như ngày tháng năm sinh, tên, số điện thoại, 123456… và nếu có thể, nên thay đổi mật khẩu thường xuyên.

Dù đã thiết lập mật khẩu 2 lớp thì bạn cũng nên làm việc này. Mật khẩu mạnh gồm: chữ thường và chữ in hoa, số và ký hiệu", Quốc Tuấn, nhân viên IT tại Hà Nội khuyên.

(Theo Nhịp Sống Việt - Tổ Quốc)