Nhiều nhà ngoại giao quốc tế liên tiếp báo động giới chức chính phủ Mỹ về những tuyên bố công khai "đầy xúc phạm và kích động" của ứng viên Tổng thống Donald Trump.


Hãng thông tấn Reuters trích dẫn ba nguồn tin không tiện nêu tên trong chính quyền Barack Obama cho biết, trong các cuộc trò chuyện riêng tư, nhiều quan chức ở châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latinh và cả châu Á đã lên tiếng than phiền chủ yếu về tính chất bài ngoại của các phát biểu mà tỷ phú Trump đưa ra.

{keywords}
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Ba nguồn tin từ chối nêu cụ thể những nước có quan chức ngoại giao than phiền, nhưng hai người trong số họ tiết lộ một số cái tên như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mexico.

Việc các nhà ngoại giao nước ngoài bày tỏ lo ngại, dù chỉ là riêng tư, về ứng viên đang tranh cử ở Mỹ là chuyện rất hiếm. Bình thường, họ - đặc biệt là từ các nước đồng minh của Mỹ - không muốn bị xem là can thiệp vào chính trị nội bộ và rất thận trọng vì sẽ phải làm việc với bất kỳ người nào chiến thắng.

Trong thời gian qua, lãnh đạo cấp cao của một số nước - trong đó có Anh, Mexico, Pháp và Canada - đã công khai chỉ trích các quan điểm của ông Trump. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel thậm chí còn gọi ứng viên của Đảng Cộng hòa Mỹ là mối đe dọa đối với hòa bình và sự thịnh vượng.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump không phản hồi trước những đề nghị bình luận về những than phiền ngoại giao nói trên. Đại sứ quán Nhật từ chối bình luận trong khi các sứ quán Ấn Độ và Hàn Quốc không phản hồi đề nghị bình luận.

Phát ngôn viên của chính phủ Mexico không xác nhận nhưng cho biết, tuần trước, nhà ngoại giao cấp cao của nước này, Claudia Ruiz Massieu, mô tả các chính sách và bình luận của Donald Trump là "lỗ mãng và phân biệt chủng tộc". Người này gọi kế hoạch của ứng viên Tổng thống Mỹ định xây một bức tường biên giới để chặn người nhập cư bất hợp pháp là "ngớ ngẩn".

Một số chuyên gia về chính sách ngoại giao Mỹ cho biết, nhiều nhà ngoại giao nước ngoài cũng than phiền với họ về Donald Trump.

"Tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài mà tôi nói chuyện đều rất ngạc nhiên trước hiện tượng Trump và rất lo ngại về điều này, đặc biệt ở Trung Đông và châu Âu", Reuters trích lời Elliott Abrams, một thành viên cấp cao tại quỹ tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, người chuyên xử lý các vấn đề về Trung Đông tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời kỳ 2001-2009 dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Thanh Hảo

Bình luận sốc của Bộ trưởng Đức về Donald Trump

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel vừa gọi ứng viên Tổng thống đang nổi như cồn của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump là một mối đe dọa đối với hòa bình và thịnh vượng.

Nếu Hillary Clinton đấu với Donald Trump?

Sau các cuộc bầu cử sơ bộ ngày Siêu thứ Ba, khả năng ngày càng lớn là Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của phe Dân chủ sẽ được chọn đua vào Nhà Trắng.

Phe Cộng hòa Mỹ và nỗi sợ mang tên Donald Trump

Nhiều thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa đang thi nhau đả kích Donald Trump sau khi ông giành chiến thắng ở 7 bang trong Siêu thứ Ba.