Tôi bối rối vô cùng khi nhận ra: ngờ vực đang trở thành một vũ khí tự vệ, bàng quan đang trở thành một phương liệu phòng thân.  

Gần đến kì nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, bọn trẻ con cứ đi học về lại líu lo kể lể chuyện sẽ viết thiệp cho ông già Noel xin những quà gì. Nhìn bọn trẻ ngây thơ vui với niềm tin bé bỏng của chúng, người lớn thấy vui lây.

Nhưng một hôm, con gái về nhà mặt mũi mếu máo hỏi tôi: mẹ ơi, sao bạn con lại bảo rằng ông già Noel không có thật? Thế ông ấy không có thật à? Tôi bảo con: có chứ, ông ấy có thật với những ai tin rằng ông ấy là thật. Thế con có tin không? Con gái nhoẻn miệng cười bảo có. Tôi thở phào vì tạm xong với con, nhưng miên man tự hỏi mình có còn tin ông già Noel có thật?

Chắc tôi (cũng như mọi người lớn khác) đều đã không còn tin vào ông già Noel và những phép mầu nhiệm thần tiên chỉ tồn tại ở thời trẻ nít. Và cùng với thời gian sống, kinh nghiệm sống và những va đập với cuộc đời, ngay đến cả niềm tin vào những điều tốt đẹp thật thà giản dị hiện hữu quanh ta cũng dần bị ăn mòn và hoá ra một thứ xa xỉ phẩm.

{keywords}
Có lẽ rất nhiều người không còn tin vào ông già Noel

Có lần, một anh tài xế taxi sau khi đưa tôi về khu chung cư đã rất tử tế xách hộ đồ nặng vào đến tận trong thang máy. Anh vô tư hỏi tôi lên lầu mấy để anh đưa lên giùm tận cửa, nghe đến đó, tôi bỗng nhiên nghi ngại và từ chối.  

Anh tài xế đi rồi, tôi mới tự cảm thấy áy náy vì đã nảy ra cái ý nghi ngờ lòng tốt của anh. Sực nghĩ đến câu chuyện của người bạn từ nước ngoài về, đến sân bay thấy phụ nữ xách nặng bèn tiến tới đề nghị giúp đỡ. Kết quả là người bạn có thói quen giúp đỡ phụ nữ đó nhận về cái lườm đầy nghi kị khó hiểu.

Thuở còn sinh viên, một lần đi mua vé tàu về quê ở Ga Hàng Cỏ, tôi nhìn thấy một kẻ móc túi trắng trợn lởn vởn hành động ngay trước mắt. Tôi vừa sợ hãi vừa giận dữ chạy đi tìm bảo vệ của nhà ga để thông báo. Khi nghe tôi kể chuyện, một người bạn trách tôi dại dột vì tôi có thể bị băng nhóm móc túi đó nhận ra hành động của mình và sẽ bị trả thù. Tôi đã bối rối vô cùng khi nhận ra: ngờ vực đang trở thành một vũ khí tự vệ, bàng quan đang trở thành một phương liệu phòng thân.

{keywords}
Tôi bị bạn trách "dại dột" vì đã tố cáo kẻ móc túi. Ảnh minh họa

Một độ rộ lên trên mạng xã hội các video giả vờ rơi ví để tìm hiểu thực tế phản ứng của dư luận. Nếu không bị khủng hoảng niềm tin, người ta đã không cần phải dùng đến phép thử.  

Kết quả phũ phàng của phép thử ấy là đa số người nhìn thấy ví rơi thì nhặt vội đút túi quần càng khiến ta có lí do giữ khư khư lấy cái lòng ngờ vực. Nhưng nếu bạn là người tích cực, bạn sẽ thấy ánh sáng thiên lương ấm áp ở con số ít ỏi những người trả lại ví tiền. Họ dù ít vẫn là lí do chính đáng để chúng ta tin vào cuộc đời này, tin vào những điều tưởng chỉ có trong cổ tích.

Những khi phân vân giữa việc nên tin hay nên ngờ vực, tôi thường nghĩ đến câu chuyện về linh mục Myriel trong tiểu thuyết Những người khốn khổ (V.Hugo). Khi người tù khổ sai Jean Valjean ra tù với tấm giấy thông hành màu vàng báo hiệu người có tiền án, anh ta bị xua đuổi ở khắp nơi nhưng vẫn nhận được một chỗ ngủ ấm áp và sự đối đãi hết mực tử tế trong nhà thờ của linh mục Myriel.  

Sau đó, anh đã ăn cắp bộ đồ ăn bằng bạc trong sự cùng quẫn rồi chạy trốn, bị cảnh sát bắt lôi về nhà thờ. Nhưng đức linh mục Myriel với tất cả lòng vị tha và niềm tin vào con người đã nói rằng: bộ đồ bằng bạc đó là quà của ông dành cho người tù khốn khổ. Ông đã mở ra một con đường lương thiện cho một người cùng quẫn. Ông đã chọn tin vào thiên lương của con người ngay cả khi anh ta có biểu hiện của một kẻ lưu manh. Và chính vì niềm tin được đức linh mục trao tặng đúng lúc, Jean Valjean đã dốc hết sức lực của đời ông để làm một người lương thiện, giúp đời.

Vậy là, khi Giáng sinh đến, đèn đuốc trang hoàng lộng lẫy khắp nơi, nhìn các ông già Noel bận đổ đỏ, đeo râu trắng muốt nhan nhản chạy xe giao quà hay đứng làm kiểng trong các cửa tiệm, tôi tự nhủ: người lớn cũng cần tin vào ông già Noel, vì niềm tin nhiều khi cứu rỗi tất cả.

Nguyễn Thị Thanh Lưu