Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây cho biết, trẻ em ở nước ta hiện sử dụng điện thoại, máy tính vào Internet từ 5 - 7 tiếng/ngày, cao hơn 2 - 3 lần so với khuyến cáo. Con số này có thể cao hơn trong mùa hè nếu chúng ta không kịp nhận diện và quan tâm đúng mức.
Chị Ngọc Anh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, mấy hôm nay con nghỉ hè nhưng hai vợ chồng chị phải đi làm và không muốn gửi con đến các lớp học hè nên đã đưa con sang chơi với ông bà, buổi chiều đón về. Tuy nhiên, ông bà chiều cháu nên thường cho dùng điện thoại cả ngày mà không thể kiểm soát được nội dung con tiếp cận trên mạng xã hội. Sau đó, vợ chồng chị đã phải thống nhất quy tắc con chỉ được phép sử dụng điện thoại 30 phút/ngày. Cùng với đó, vào mỗi buổi tối, hai vợ chồng thay nhau chỉ dẫn cho con những nội dung nên xem trên mạng, lý giải nội dung nào xấu, độc hại cần phải tránh.
Theo các chuyên gia, sử dụng điện thoại hay mạng xã hội từ sớm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ như giảm tập trung, trí nhớ khi học tập, mải miết với thế giới "ảo", không còn thời gian dành cho gia đình, bạn bè, mặt khác, thông tin xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Nếu trẻ em được tiếp xúc với công nghệ từ sớm và được cha mẹ hỗ trợ, hướng dẫn thì điện thoại thông minh, máy tính sẽ hỗ trợ trẻ tìm kiếm thông tin, dữ liệu cho việc học tập, thúc đẩy quá trình tự học hiệu quả hơn.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng. Đó là tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng "nghiện" Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật...
Thế giới số giúp con người có thể học tập và sinh sống tốt hơn, tuy nhiên trẻ em có thể đối diện nhiều với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị quấy rối tình dục qua mạng xã hội... Do đó, để trẻ có thể sống một cuộc sống an toàn, lành mạnh, trước tiên các bậc phụ huynh cần tìm hiểu và tự nâng cấp kỹ năng an toàn cho chính mình, sau đó giúp con nhận diện, có cách ứng phó phù hợp khi là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trên mạng xã hội.
Thứ hai, hướng dẫn con biết kết hợp học tập các giá trị sống và kỹ năng sống, thông qua các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khác để giúp con trau dồi giá trị sống như chia sẻ, yêu thương, khiêm tốn, trung thực, đoàn kết… học tập các kỹ năng sống về giao tiếp, tự tin nói chuyện trước đám đông, thuyết trình và tư duy phản biện thông qua các lớp học tại các cơ sở đào tạo uy tín.
Phụ huynh có thể tạo các hoạt động trải nghiệm tại nhà và cần dành thời gian đồng hành và hướng dẫn con về các kỹ năng chăm sóc bản thân, tự phục vụ, giặt giũ, các kỹ năng chuẩn bị bữa ăn và sau ăn, kỹ năng kết nối với các thành viên trong gia đình, chia sẻ, trò chuyện trực tiếp thông qua quá trình hoạt động.
Cần phải giúp con cân bằng giữa vui chơi và học tập, đặt ra những mục tiêu, kế hoạch thực hiện rõ ràng.
Phụ huynh cũng có thể cho con về thăm ông bà, trải nghiệm đời sống ở quê hương, đi du lịch khám phá nhiều vùng đất mới, kết nối thiên nhiên, tìm hiểu về văn hóa và kết nối với người khác, thưởng thức ẩm thực vùng miền, giúp con khám phá cuộc sống ở thế giới thực sâu sắc hơn.
Trong thời đại công nghệ, chúng ta không thể cấm hoàn toàn trẻ sử dụng công nghệ. Thay vì cấm cản thì cần định hướng để trẻ sử dụng đúng mục đích, để công nghệ ấy sẽ giúp trẻ kết nối với thời đại và cuộc sống hôm nay. Chúng ta chỉ có thể tạo ra những hoạt động thu hút ý nghĩa trong dịp hè và cùng đồng hành tham gia với trẻ mới giúp cho trẻ buông bớt điện thoại, tránh việc chơi game quá mức, tạo một mùa hè cho trẻ nhiều trải nghiệm, niềm vui và ý nghĩa hơn.
Thanh Hải