Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin…

Điều 54 của Luật Trẻ em quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng là một vấn đề liên ngành, cần sự phối hợp chung tay của nhiều ngành và của toàn xã hội. 

trẻ em
Cha mẹ phải là "màng lọc" thông tin cho con em trên thế giới ảo. Ảnh H.Thuý.

Năm 2019, Việt Nam và các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.

Trong đó, Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN đã nêu những biện pháp chính như: Thúc đẩy, xây dựng và thực hiện khung pháp lý quốc gia tại từng nước thành viên ASEAN và hướng tới kiện toàn các nguyên tắc bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức lạm dụng và bóc lột trực tuyến tại các nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp chính. Đó là: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế. 

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giáo dục trẻ em cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội an toàn. Muốn vậy, cần cung cấp cho trẻ em những kỹ năng, kiến thức cần thiết để các em tự biết bảo vệ chính mình, biết tương tác lành mạnh trên không gian mạng. Nói cách khác, cần tạo ra đề kháng cho trẻ em trước những nội dung độc hại trên môi trường mạng.

Song song với việc rèn kỹ năng, kiến thức cho trẻ em thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Theo đó, phụ huynh cần hướng dẫn con em mình phương thức tham gia và truy cập vào những trang web có nội dung lành mạnh. Đồng thời, cảnh báo những nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải trên không gian mạng và cách thức xử lý. Nói đúng hơn, cha mẹ phải là "màng lọc" thông tin cho con em trên thế giới ảo.

Phụ huynh cũng cần trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục đạo đức, nhân cách, quyền trẻ em. Hơn thế, phụ huynh cần quan tâm, khuyến khích trẻ em truy cập vào những trang web có nội dung lành mạnh, cảnh báo những nguy cơ trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng và cách ứng phó.

Ngoài ra, các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế.

Để trẻ em không trở thành nạn nhân, gặp những rủi ro trên môi trường mạng, chúng ta cần tạo cho trẻ em thói quen, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, giúp các em biết cách phòng tránh những rủi ro, nguy cơ rình rập trên thế giới mạng. Phải giúp trẻ biết cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Nhà trường đưa nội dung này vào chính khóa hoặc ngoại khóa để dạy cho trẻ em về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, các cách tự bảo vệ mình khi thông tin bị lộ, lọt.

Thanh Minh