Tình trạng sử dụng các thiết bị kích sóng điện thoại di động (thiết bị lặp thông tin di động) không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy được ghi nhận gia tăng trở lại trong thời gian gần đây, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Qua khảo sát, trên thị trường có nhiều loại thiết bị vô tuyến điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quảng cáo, bán trên các trang thương mại điện tử, trang tin cá nhân hoặc qua các số điện thoại...
Theo các chuyên gia, khi đưa vào sử dụng các thiết bị vô tuyến điện không rõ nguồn gốc, sẽ gây ảnh hưởng can nhiễu đến các hệ thống, mạng thông tin vô tuyến điện đã được cấp phép, đặc biệt là các mạng thông tin di động.
Mặt khác, việc tự ý lắp đặt, sử dụng các thiết bị không đảm bảo kỹ thuật, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cũng có thể gây mất an toàn cho chính bản thân người sử dụng.
Thời gian vừa qua, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã phối hợp với các Sở TT&TT tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tự ý lắp đặt, sử dụng các thiết bị kích sóng điện thoại di động.
Trường hợp tự ý lắp đặt, sử dụng thiết bị kích sóng không đúng quy định, người dùng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo chế tài tại Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp sử dụng thiết bị kích sóng thông tin di động không đúng quy định; trong đó có việc xử phạt vi phạm hành chính với các cá nhân sử dụng thiết bị kích sóng và tịch thu thiết bị.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện, xử lý 65 vụ can nhiễu mạng thông tin di động mặt đất, trong đó nhiều vụ nhiễu do nguồn gây nhiễu từ các thiết bị kích sóng điện thoại di động và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 27 vụ.
Đáng chú ý, Cục Tần số vô tuyến điện đã cung cấp danh sách các thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đang bày bán trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương xử lý.
Kết quả, đã gỡ bỏ hết thông tin về các thiết bị kích sóng rao bán trên sàn thương mại điện tử: Lazada (89 địa chỉ đường dẫn website rao bán), Shopee (112 địa chỉ đường dẫn website rao bán), Sen đỏ (3 địa chỉ đường dẫn website rao bán).
Ngoài ra, các doanh nghiệp quản lý các sàn thương mại điện tử cũng đã được yêu cầu phải triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt, xử lý để ngăn chặn các sản phẩm vi phạm được rao bán trên sàn của đơn vị mình.
Thời gian tới, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai gỡ bỏ và xử lý các website của các cửa hàng, công ty khác đang rao bán thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.
Cục Tần số vô tuyến điện khuyến nghị, để tránh mua và sử dụng những thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây can nhiễu, người tiêu dùng cần kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận hợp quy và chỉ mua sử dụng các thiết bị vô tuyến điện đã có giấy chứng nhận hợp quy, có dấu hợp quy.
Trường hợp điện thoại di động không thể liên lạc do nằm trong vùng sóng yếu, người dân cần thông báo đến số điện thoại hotline của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động tương ứng để được hỗ trợ khắc phục; không tự ý mua các thiết bị không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng về lắp đặt, sử dụng để không vi phạm, gây can nhiễu.