Theo quy định mới của TP Hà Nội về việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, người đi đường cần xuất trình giấy đi đường, căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân như quy định cũ.

Tuy nhiên, quy định mới còn yêu cầu phải có thêm lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, với giấy đi đường phải được UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) kiểm tra, xác nhận...

Kiểm tra thủ công, tiếp xúc nhiều người

Theo ghi nhận của VietNamNet, việc siết lý do ra đường theo quy định mới của TP Hà Nội khiến nhiều người không kịp có giấy tờ bổ sung trong ngày đầu tiên, vì vậy đã có tình trạng ùn ứ tại một số điểm chốt. 

Đáng lo hơn, nhiều người nghi ngại việc phải xuất trình nhiều giấy tờ tại chốt, thời gian kiểm soát giấy tờ thủ công, lượng người dồn lại đông... sẽ không đảm bảo quy định về giãn cách. 

{keywords}
Có hiện tượng ùn ứ cục bộ các phương tiện tại chốt kiểm soát trong ngày đầu Hà Nội siết chặt lý do ra đường. Ảnh: Đoàn Bổng

Cũng có nhiều ý kiến khác băn khoăn về việc đã có giấy đi đường do cơ quan cấp, nay lại thêm thủ tục phải ra phường kiểm tra, xác nhận, tức là thêm một lần chỉ đưa mọi người tập trung về một điểm, có thể thành tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, việc UBND TP Hà Nội nói riêng và chính quyền cả nước nói chung dùng các biện pháp mạnh để khống chế dịch bệnh Covid 19 là hoàn toàn cần thiết.

Cụ thể, với yêu cầu về việc kiểm soát giấy đi đường theo mẫu kèm giấy tờ tùy thân, việc này đã hạn chế được nhiều người ra đường khi không có lý do chính đáng.

Còn trong yêu cầu cấp giấy đi đường, thành phố đã đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy, tức là những người được cấp giấy đi đường là những người có công việc cần thiết. 

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, nếu chặt chẽ hơn, thành phố có thể yêu cầu các cơ quan báo cáo và cung cấp danh sách người được cấp giấy đi đường để kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử nghiêm cơ quan cấp sai đối tượng. 

Nhưng với quy định mới, trong đó có việc Hà Nội giao UBND cấp xã kiểm tra, xác nhận giấy đi đường, quy định này là không cần thiết mà làm phát sinh thêm thủ tục.

Luật sư Thanh cho rằng, đây không phải là biện pháp hiệu quả nhằm đưa hoạt động cấp giấy đi đường vào khuôn khổ, đúng mục đích. Ngược lại, có thể tạo ra nhiều hệ lụy như: khiến chính quyền địa phương gánh thêm công việc trong lúc cần phải tập trung phòng chống dịch bệnh; hoặc vô tình gây tập trung đông người tại trụ sở ủy ban để xin xác nhận…

Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Hà Nội cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong giai đoạn giãn cách mà vẫn kiểm soát được việc đi lại.

Chẳng hạn như tạo ra các ứng dụng, chương trình để người dân muốn ra đường khi có lý do chính đáng (nhóm công việc được ra đường) thì đăng ký và được "cấp phép" qua đó.

“Người dân khi ra đường nếu bị kiểm tra thì xuất trình mã như cấp QR, mã này có thể cấp qua điện thoại hoặc trên bản giấy in và đối chiếu với giấy tờ tùy thân”, lời luật sư Giang Hồng Thanh.

{keywords}
Lực lượng chức năng kiểm tra lý do ra đường. Ảnh: Đoàn Bổng

Vẫn theo ông Thanh, bên cạnh việc siết chặt hoạt động tại nơi công cộng, cần tính toán sao cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân vốn đã bị ảnh hưởng bởi dịch, nay không phải ngược xuôi làm thêm các thủ tục để đi công việc họ đã được cho phép.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, thành phố Hà Nội cần xem xét bỏ quy định  người dân phải lên UBND phường xin giấy xác nhận giấy đi đường.

Bởi, Chính phủ đã quy định rõ những người ở những nhóm ngành được phép đi ra đường trong thời gian cách ly xã hội, ví như lực lượng quân đội, công an, y bác sĩ, nhà báo, luật sư, công nhân môi trường, những người phục vụ vấn đề thiết yếu của xã hội…

Vì thế, chỉ cần cơ quan tổ chức nơi họ công tác cấp giấy đi đường cho họ là đủ, là đã theo đúng quy định của Chính phủ.

Theo quan điểm của luật sư Thu, việc thêm thủ tục trong quy định mới đã dẫn đến việc ùn ứ, tập trung đông người tại các chốt kiểm tra khi cùng lúc lực lượng kiểm tra phải xem nhiều loại giấy tờ. Còn trước đó, người dân một lần nữa vô tình tập trung rất đông ở UBND phường để xin xác nhận giấy đi đường, đây là điều bất lợi, gây khó trong việc phòng chống Covid 19.

Theo luật sư, nếu cần kiểm soát, UBND TP Hà Nội có thể yêu cầu các đơn vị, cơ quan tổ chức đóng trên địa bàn phường gửi giấy xác nhận đi đường qua thư điện tử đến UBND phường (nơi mà các cơ quan tổ chức đó có trụ sở), thay vì người dân phải xếp hàng dài chờ được xác nhận như hiện nay.

Nếu thấy cần thiết, UBND TP Hà Nội cũng có thể yêu cầu các cơ quan tổ chức cắt giảm nhân sự đi làm, chia ra các ngày chẵn, lẻ cho từng người.

Không cần phải lập chốt kiểm soát dày đặc, ai cũng kiểm tra, mà có thể kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường… Nếu họ vi phạm thì xử lý theo quy định.

Còn theo luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn luật sư TP Hà Nội, ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội trong việc siết chặt người ra đường để chống dịch được triệt để.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thành phố nên kiểm soát chéo từ xa, điều tiết phân luồng giao thông các loại phương tiện để giúp giảm tải và tránh ùn ứ ở các chốt. 

Có không ít ý kiến góp ý, đề đạt TP Hà Nội cần huy động các đơn vị chuyên về công nghệ thông tin tham gia vào việc kiểm soát người và phương tiện, vì quá trình kiểm soát hiện nay về cơ bản vẫn là xem giấy tờ bằng phương pháp thủ công dẫn tới phải tiếp xúc gần.

Và khi các đơn vị chuyên về công nghệ vào cuộc, họ sẽ có các giải pháp công nghệ thông minh trong nhận diện phương tiện cũng như người ra đường thông qua nhiều ứng dụng, thiết bị, như vậy sẽ tránh được tiếp xúc, đảm bảo được yêu cầu giãn cách đúng như chủ trương giãn các xã hội hiện nay. 

T.Nhung

Ngày đầu Hà Nội siết lý do ra đường, ùn xe cục bộ đầu giờ sáng

Ngày đầu Hà Nội siết lý do ra đường, ùn xe cục bộ đầu giờ sáng

Sáng nay (9/8), ngày đầu các lực lượng siết lý do ra đường theo quy định mới của TP Hà Nội, nhiều người không kịp có giấy tờ bổ sung, một số điểm chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đã có hiện tượng ùn ứ xe cục bộ.