Grab vừa chính thức mở tính năng đặt phòng khách sạn (Hotels) tại Việt Nam hôm nay 9/5. Dịch vụ này được công ty hợp tác với Agoda.com và sắp tới sẽ hợp tác với Booking.com - hai nền tảng về đặt phòng khách sạn lớn nhất Đông Nam Á.
Dịch vụ Hotels được triển khai tổng cộng 6 nước, trong đó Philippines và Việt Nam là hai nước mới nhất. Tại sự kiện công bố dịch vụ được tổ chức tại Indonesia, ông Jerald Singh, Giám đốc Sản phẩm và Thiết kế của Grab, cho biết quy mô thị trường du lịch nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á sẽ đạt tới quy mô 115,9 triệu USD trong vòng 9 năm tới, do đó họ không thể đứng ngoài cuộc chơi lớn này.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả công ty khởi nghiệp này mong muốn là trở thành một siêu ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của người dân Đông Nam Á.
Khu vực chờ cho khách đặt xe GrabCar tại sân bay Jakarta, Indonesia - Ảnh: Hải Đăng |
Khi được hỏi liệu tính năng đặt phòng khách sạn có phải chỉ là chiêu thức tiếp thị hay không, ông Jerald khẳng định không phải.
“Khi bạn đặt phòng khách sạn qua Grab chẳng hạn, chúng tôi sẽ biết bạn sắp đi đến địa điểm nào, khi ấy chúng tôi sẽ đề xuất phương tiện di chuyển cho bạn. Khi bạn di chuyển bằng phương tiện của Grab, chúng tôi sẽ biết thời gian bạn đến khách sạn, sẽ đề xuất các món ăn, nhà hàng cho bạn thông qua GrabFood. Ít nhất bạn cũng thanh toán các dịch vụ qua GrabPay chẳng hạn”, ông Jerald trả lời.
Tại Việt Nam, Grab đã triển khai tính năng trả tiền điện, nước, cước phí điện thoại trả sau. Sắp tới, các dịch vụ như đặt vé xem phim, xem video streaming,... cũng được triển khai. Chưa kể hàng chục dịch vụ khác được Grab tung ra trên toàn khu vực Đông Nam Á, tất cả nhằm mục đích muốn người dùng chỉ với smartphone và ứng dụng Grab để làm hầu như mọi việc.
Minh hoạ cho việc này, ông Jerald đưa ra hình ảnh một chiếc đồng hồ. Trong đó, gần như mọi thời điểm trong ngày người dùng đều mở Grab lên để sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn, đặt xe đi làm, trên đường đi có thể xem video streaming, buổi trưa đặt đồ ăn, đầu giờ chiều thanh toán hoá đơn điện nước, giữa giờ chiều đặt vé xem phim, buổi tối ăn một bữa tối lãng mạn. Tất cả những dịch vụ như vậy đều được siêu ứng dụng này cung cấp.
Ông Jerald cho biết tính đến hết năm nay, Grab sẽ có khoảng 500 đối tác khác nhau tích hợp dịch vụ trên nền tảng của công ty, một con số không hề nhỏ, đủ để đạt mức siêu ứng dụng.
Bên cạnh việc tích hợp dịch vụ của các đối tác vào Grab, ở phía ngược lại các đối tác cũng sử dụng Grab vào dịch vụ của họ. Chẳng hạn người dùng có thể thanh toán bằng GrabPay, đăng nhập bằng tài khoản Grab, di chuyển, giao hàng.
“Thử tưởng tượng bạn chỉ cần đăng nhập vào Grab một lần và sử dụng được mọi dịch vụ khác nhau, điều này khác với việc phải nhớ và dùng nhiều tài khoản khác nhau cho nhiều dịch vụ. Đây là trải nghiệm xuyên suốt mà Grab cung cấp, chắc chắn làm khách hàng thích thú”, ông Jerald nói.
Tất nhiên, để trở thành một siêu ứng dụng, một mình Grab không thể làm được mọi việc, Neneng Goenadi - Tổng giám đốc Indonesia nói.
“Để lớn mạnh một mảng nào đó, bạn phải thật sự mất rất nhiều thời gian”, bà Neneng phân tích. Do đó, nền tảng này hợp tác với các đối tác lớn, cùng nhau cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho khách hàng.
Chẳng hạn tại Indonesia, Grab bắt tay với Ovo, một trong hai ví điện tử lớn nhất nước, để cung cấp thanh toán GrabPay. Công ty cũng hợp tác với Tokopedia, sàn thương mại điện tử lớn ở quốc gia này, để mở rộng tính năng thanh toán qua ứng dụng Grab.
Khách dùng Ovo thanh toán tại một trung tâm thương mại ở Indonesia - Ảnh: Hải Đăng |
Indonesia cũng vừa ra mắt GrabWheels, một phương tiện để khách tự di chuyển trong khoảng cách ngắn - dịch vụ vốn đã được triển khai tại Singapore trước đó.
Nếu nhìn vào danh sách các dịch vụ Grab cung cấp trên toàn khu vực ASEAN sẽ thấy ứng dụng này đang ngày càng gần với mục tiêu siêu ứng dụng hơn, dù hiện nay nó đã quen thuộc với hầu hết người dân khu vực này qua các dịch vụ như GrabBike hay GrabCar, GrabFood.
Tại Indonesia, Grab cho biết họ đóng góp cho nền kinh tế quốc gia khoảng 48,9 ngàn tỷ rupiah, tức khoảng 79 ngàn tỷ đồng năm 2018. Trong đó đóng góp của GrabBike, GrabFood, GrabCar chiếm tỷ trọng lớn.
Bằng việc tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác lớn trong nhiều ngành dịch vụ khác nhau, Grab rõ ràng đang trở thành một ứng dụng siêu lớn trong khu vực Đông Nam Á.