Tháng 10/2022, Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu sâu rộng nhằm vào các công cụ sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, Mỹ cần có sự tham gia của các nhà cung ứng quan trọng khác của Hà Lan và Nhật Bản. Các nước đồng minh đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều tháng.

Trong thư gửi Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher thông báo, các lệnh cấm sẽ được giới thiệu trước mùa hè.

Công ty ASML của Hà Lan là nhà cung ứng máy in thạch bản - công cụ quan trọng trong sản xuất chip - hàng đầu thế giới. (Ảnh: Reuters)

Dù thư của bà không nêu đích danh Trung Quốc hay ASML, công ty công nghệ lớn nhất châu Âu, cả hai đều sẽ bị ảnh hưởng. Thư nhắc đến công nghệ chịu tác động là in thạch bản DUV, loại máy móc hiện đại thứ hai chỉ sau EUV, mà ASML vẫn đang bán cho các nhà sản xuất chip máy tính. Hà Lan sẽ đưa ra danh sách kiểm soát quốc gia với công nghệ này.

ASML dự đoán sẽ phải xin giấy phép để xuất khẩu máy móc, nhưng điều này không ảnh hưởng đến hướng dẫn tài chính năm 2023 của hãng. ASML thống trị thị trường in thạch bản – những chiếc máy có giá hàng trăm triệu USD. In thạch bản là quá trình sử dụng ánh sáng để in các mẫu mạch cực nhỏ lên các tấm silicon một cách liên tục.

Công ty kỳ vọng doanh số tại Trung Quốc không thay đổi nhiều, ở mức 2,2 tỷ EUR vào năm 2023. Các khách hàng lớn của ASML như TSMC hay Intel đều đang muốn gia tăng công suất. ASML chưa bao giờ bán máy in EUV cho khách hàng ở Trung Quốc. Phần lớn các máy DUV đều bán cho các nhà sản xuất chip kém hiện đại hơn tại đây. Các khách hàng Hàn Quốc lớn nhất của ASML – Samsung và SK Hynix – sở hữu năng lực sản xuất lớn ở đại lục.

Thông báo của Hà Lan bỏ ngỏ nhiều câu hỏi, chẳng hạn liệu ASML có được phục vụ những khách hàng hiện tại tại Trung Quốc hay không. Bà  chia sẻ, chính phủ Hà Lan sẽ quyết định các biện pháp một cách thận trọng nhất có thể để tránh những gián đoạn không đáng có cho chuỗi giá trị. Điều quan trọng là các công ty phải biết họ đang đối mặt với điều gì và có thời gian điều chỉnh với quy định mới, bà viết trong thư.

Theo Reuters, Nhật Bản được cho là sẽ đưa ra cập nhật về chính sách xuất khẩu thiết bị chip trong tuần này.

(Theo Reuters)

Bán dẫn Trung Quốc loay hoay tìm hướng đi hậu cấm vận

Bán dẫn Trung Quốc loay hoay tìm hướng đi hậu cấm vận

Trung Quốc có kế hoạch vung tiền giúp lĩnh vực chip thoát khỏi tác động tiêu cực từ các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, tuy nhiên tiền chỉ có thể phát huy tác dụng nếu các công ty của nước này vượt được “bẫy cung ứng giá trị thấp”.