Từ ngày 1/3, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ra quân, xử phạt hành vi vi phạm vỉa hè, đỗ dừng xe tại vỉa hè, lòng đường theo Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố.

Tại phường Kim Mã (Ba Đình), lực lượng Công an phường đã kiểm tra tại tuyến đường Kim Mã, dẹp lấn chiếm với các quán hàng ăn, cà phê lấn chiếm vỉa hè trên dọc tuyến đường này.

Theo ghi nhận, mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, nhưng chủ quán ăn số 290 Kim Mã vẫn tái diễn tình trạng chiếm vỉa hè, lực lượng chức năng phải xử lý.

Khi bị công an phường xử lý, chủ quán không nhớ đã ký cam kết trước đó. Người này cho biết, do hàng quán nhỏ nên cứ nghĩ chỉ bán một lúc buổi sáng sẽ không sao.

Thanh minh về việc nhiều lần tái diễn lấn chiếm vỉa hè, chủ quán này bộc bạch, do cửa hàng có diện tích nhỏ nên có tận dụng vỉa hè để kinh doanh.

Tại phường Thành Công (quận Ba Đình), nơi VietNamNet phản ánh về thực trạng các "công xưởng" gỡ trên đường Đê La Thành thỏa sức lấn chiếm vỉa hè, sau khi báo nêu, lực lượng chức năng đã ra quân dẹp các điểm lấn chiếm khiến người dân bức xúc.

Trung tá Vũ Hữu Thái, Phó trưởng Công an phường Thành Công cho biết, trong ngày 1/3, đã xử phạt 3 ô tô và 2 xe máy dừng đỗ sai quy định, 1 trường hợp chiếm lấn vỉa hè, 9 trường hợp hàng rong bán trên vỉa hè, thu giữ nhiều vật dụng liên quan.

Công an phường Thành Công mạnh tay xử phạt những "công xưởng" gỗ, hàng quán chiếm lấn vỉa hè trên đường Đê La Thành.
Tuyến đường Đê La Thành, nơi mà tình trạng lấn chiếm vỉa hè trở thành vấn đề nhức nhối khiến người dân bức xúc, đã được VietNamNet phản ánh trước đó.

Trong "tổng chiến dịch" dẹp các điểm lấn chiếm hè đường, quận Đống Đa xây dựng Fanpage Ban chỉ đạo 197 quận trên Facebook để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm. Từ kênh thông tin này, sẽ xác minh nhanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong các ngày từ ngày 23 - 28/2, quận Đống Đa đã ký cam kết đến 6.356 hộ gia đình kinh doanh mặt phố, trong đó có nội dung không lấn chiếm hè đường.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm 3 tổ công tác triển khai trực tiếp kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự công cộng, TTĐT, TTGT, VSMT; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện của Ban Chỉ đạo 197 phường và các lực lượng chức năng của quận. Thời gian thực hiện từ ngày 1/3 - 1/11/2023 với hình thức kiểm tra đột xuất.

Tại quận Hoàn Kiếm, từ đầu tháng 3, các lực lượng chức năng cũng ra quân xử lý vi phạm vỉa hè với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ. Quận này có 18 phường với nhiều tuyến phố bị lấn chiếm vỉa hè.

Thiếu tá Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an phường đã xử lý 164 trường hợp vi phạm với số tiền trên 115 triệu đồng. Trong đó có 19 trường hợp lấn chiếm hè phố kinh doanh; 12 trường hợp trông xe trái phép, thu phí quá quy định; 67 trường hợp bán hàng rong; 35 ô tô dừng, đỗ sai quy định…”.

Công an phường Hàng Mã vận động người dân ký cam kết về việc tuyệt đối không lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh.

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Công an phường Hàng Mã nói: “Bắt đầu từ ngày 1/3, chúng tôi thực hiện xử phạt các hàng quán chiếm lấn vỉa hè. Trong giai đoạn 1, ngoài nhắc nhở, đã xử phạt trên 40 trường hợp. Ngày 1/3 xử phạt trên 10 trường hợp với mức phạt từ 2,5 triệu đồng trở lên”.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các quận, phường ra quân xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng, đường vỉa hè, nhưng sau đó lại để tái diễn. 

Đặc biệt, trong những lần ra quân trước, ngoài tuyên truyền, các địa phương cũng ký cam kết, nhưng sau đó vấn đề chiếm giữ vỉa hè như có "sổ đỏ" vẫn rất nhức nhối, khiến người dân bức xúc. Vì vậy, nhiều ý kiến bày tỏ, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Nơi nào để tình trạng lấn chiếm vỉa hè trở thành vấn đề nhức nhối, phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.  

Đa phần người dân khi thấy lực lượng chức năng đến mới bắt đầu thu dọn đồ đạc, hàng hóa vào phía trong nhà.

Trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã chia 3 mốc thời gian để các địa phương thực hiện "tổng chiến dịch" xóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cụ thể, giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.

Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 - 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.